
Ngoài kia đều là tai mắt của Lữ
Quang, ta là huynh trưởng, ở lại trong lán của em trai quá lâu, sẽ khiến kẻ
khác nghi ngờ.
- Nhưng
em… cậu ấy…
- Ta tin
tưởng em trai mình…
Chàng
ngừng lại một lát, rồi tiếp tục dặn dò:
- Nàng
nghỉ sớm đi, hãy ngủ thật ngon. Ngày mai, chúng ta phải ứng phó với rất nhiều
gian nan.
- Rajiva!
Tôi giữ
chàng lại:
- Vết
thương trên người chàng, còn cả vết thương trên mặt nữa, để em bôi thuốc rồi
chàng hãy về.
Chàng
mỉm cười, lấy ra lọ thuốc tôi đưa cho Pusyseda ra, lắc lắc trước mặt:
- Ta đã ở
lại quá lâu, phải về thôi. Nàng yên tâm, về lán ta sẽ bôi thuốc.
- Chàng
nhớ phải bôi thuốc đó…
Như đột
ngột nhớ ra chuyện gì, chàng dừng bước. Tháo chuỗi hạt mã não trên cánh tay
trái, đeo vào tay tôi. Chuỗi hạt quá dài, phải quấn thành hai vòng. Chàng đóng
chốt, nhìn tôi mỉm cười:
- Sau này
sẽ làm thành hai chiếc, hai ta mỗi người giữ một chiếc.
Tôi gật
đầu, chợt nhận thấy vẻ bí hiểm, ranh mãnh xuất hiện trên gương mặt chàng. Chàng
cúi xuống hôn nhẹ lên môi tôi. Chưa kịp có phản ứng gì thì chàng đã đi xa. Còn
lại mình tôi ngẩn ngơ đắm chìm trong dư vị ngọt ngào của xúc cảm yêu đương, tôi
khẽ đưa tay lên môi nở nụ cười ngây ngô…
Dù
Pusyseda đã mê man trong giấc ngủ sâu, tôi vẫn trùm khăn che mặt, đến khu lán
của người hầu, vào ngủ cùng Mễ Nhi. Không phải vì e ngại Pusyseda, mà vì tôi
muốn giữ gìn cho người vợ tốt bụng của cậu ấy. Mễ Nhi là người hầu thân cận của
Hiểu Huyên, tuy nói là đi theo chăm sóc tôi, nhưng biết đâu còn dụng ý gì khác.
Tuy nhiên, tôi rất cảm kích tấm lòng độ lượng của cô ấy, khi cô ấy đồng ý để
chồng mình xa nhà cùng người phụ nữ khác và lại đóng giả là cô ấy. Thế nên, tôi
cũng phải hành xử sao cho thật quang minh chính đại, để cô ấy yên lòng.
Buổi
tối hôm đó tôi đã ngủ rất say, như thể lâu lắm rồi chưa được một giấc nào ngon
lành như vậy. Pusyseda nhiều lần bừng tỉnh trong đêm, nôn mửa trong lán, đều do
một mình Mễ Nhi phục dịch, hôm sau cô ấy kể lại tôi mới biết. Trước khi chìm
vào giấc ngủ mê mệt, tôi chỉ tâm niệm một điều duy nhất: Phải nuôi dưỡng tinh
thần thật đầy đủ, để ngày mai tiếp tục chiến đấu!
Lữ
Quang dâng hương, lễ phật, rồi đưa mắt quan sát đại diện. Theo lệnh của ông ta,
tất cả sư sãi trong chùa đều đã được tập hợp đông đủ, cả một biển người đứng
chen nhau trong đại điện, ngay cả các ngóc ngách cũng đã chật kín. Ông ta gật
đầu tỏ ý hài lòng, gọi Pusyseda tới.
Tôi
trùm khăn che mặt đứng sang một bên cùng đám đông gia quyến. Có người muốn bắt
chuyện nhưng tôi vờ như không hiểu tiếng Tochari ậm ừ đáp lễ. Rajiva ở vị trí
dẫn đầu, vầng trán tuy thoáng tiều tụy, nhưng vẻ mặt vẫn điềm tĩnh, tự tại.
Lữ
Quang đằng hắng vài tiếng, đại điện lập tức yên lặng.
- Ta
phụng mệnh Thiên Vương Đại Tần, chinh phạt vua Khâu Từ - Bạch Thuần tàn bạo,
cũng là thuận theo ý muốn dân. Lữ Quang ta được trời giúp sức, lại nhờ uy danh
của Thiên Vương, đã dẹp tan quân giặc. Thiên Vương Đại Tần phong cho ta làm Tần
kị thường thị, tướng quân An Tây, Hiệu úy Tây vực, giao cho ta trọng trách
thống nhất Tây vực. Vì muốn cảm tạ ơn vua, hôm nay, ta đến chùa Cakra này dâng
hương lễ phật, cầu cho Khâu Từ quanh năm được mùa màng bội thu, quốc thái dân
an. Cầu chúc Thiên Vương thiên thu vạn tuế!
Lữ
Quang ngừng lại, quay sang nói với Pusyseda:
- Xin
quốc sư hãy chuyển dịch những lời của ta sang tiếng Tochari.
Pusyseda
y lệnh.
Lữ
Quang tiếp tục cất giọng oang oang:
- Ta vào
thành đã được gần hai tháng. Đến nay Khâu Từ đã yên ổn trở lại, thực là điều
may mắn! Tân vương Bạch Chấn không quản gian khổ, ngày đêm nhọc lòng, công lao
to lớn.
Ông ta
hướng về Bạch Chấn, khiêm cung một cách giả tạo, Bạch Chấn vội vã đáp lễ.
- Đến
Khâu Từ, ta còn nhận được một vinh dự lớn lao. Đó là được nghe vị hòa thượng
danh chấn Tây vực, thông tự, từ bi – pháp sư Kumarajiva giảng kinh thuyết pháp,
ta như kẻ mê muội được ngài vén mây đen cho thấy ánh sáng mặt trời. Ta bội phần
cảm phục, muốn tỏ lòng biết ơn, thế nhưng pháp sư kiên quyết không nhận bạc
vàng, không màng quan tước, khiến ta vô cùng khó nghĩ.
Lữ
Quang ngừng lại, cho Pusyseda dịch hết, mới tiếp tục:
- Danh
tiếng của pháp sư lan truyền khắp nơi, tuổi ngài còn trẻ mà đã đạt đến trình độ
tu hành thật đáng nể trọng. Ta thành tâm muốn trợ giúp công việc truyền đạo của
ngài, nên đã dâng mỹ nữ tặng ngài. Pháp sư quả nhiên là bậc cao nhân, ngài
không thấy điều đó có gì đáng ngại, đã hoan hỉ đón nhận.
Vẻ mặt
Pysyseda hoàn toàn biến sắc, cậu ta quắc mắt, ném cái nhìn giận dữ về phía Lữ
Quang. Những người nghe hiểu tiếng Hán trong đám đông sư tăng đã chụm đầu lại
bàn tán xôn xao. Tôi liếc nhìn Rajiva, mắt chàng khép hờ, nét mặt bình thản.
Vẫn là phong thái trầm tĩnh, điềm nhiên, thoát tục ấy, nổi bật giữa muôn người.
Thái độ ấy của chàng như muốn tuyên bố rằng, dù Lữ Quang có nói gì, chàng cũng
sẽ ứng đối bằng sự bình tĩnh và ôn hòa.
- Những
lời vừa rồi của Lữ tướng quân có nhiều chỗ không đúng.
Pusyseda
gằn giọng giận dữ:
- Pháp sư
phá giới là do tướng quân ép