
người vô tâm một chút sẽ nghĩ rằng Trầm Diệp đang thẫn thờ nhìn Văn tiên sinh, nhưng lão quản gia đương nhiên có thể nhận thấy ánh mắt của Trầm Diệp đang lướt
qua đỉnh đầu của Văn Tiên Sinh, tập trung nhìn vào một tảng đá lớn phía
sau lưng của nàng ấy.
Trên tảng đá lớn có đề mấy hàng chữ: “Sầu
hoài nan khiển, hà nhu cấp khiển. Phù sinh đa thái, thiên mệnh định chi. Ưu sầu úy bố, tự hữu tận thời[1'>”.
[1'> Tạm dịch: Nỗi buồn khó
xua đuổi, sao phải vội vàng xua đuổi. Kiếp phù sinh muôn hình vạn trạng, số trời đã định. Nỗi buồn phiền sợ hãi sẽ đến lúc tự kết thúc thôi.
Mặc dù không có lạc khoản, lão quản gia lại vẫn biết được đó là chữ của ai. Trong phủ thường ngày chỉ mình A Lan Nhược thích viết thư pháp, nhưng
viết thư pháp trên giấy một cách chính thống lại không phải sở thích của nàng, mỗi khi cao hứng liền tiện tay nhặt một thứ gì đó viết vài nét,
trước đây còn thường xuyên đề lạc khoản dưới chữ, sau đó viết nhiều rồi, ngay cả lạc khoản cũng lười không buồn đề nữa.
Lão quản gia
trung nghĩa nhìn thấy vậy thì luôn ghi nhớ trong lòng, nhân một ngày A
Lan Nhược đang trong tâm trạng vui vẻ, mở khóa bịt miệng, giả bộ như vô
tình tiết lộ chuyện này.
A Lan Nhược mài mực, mỉm cười thở dài
một tiếng, nói: “Ta đã từng lừa gạt chàng, chàng nhìn thấy nét chữ của
ta sẽ khó tránh khỏi việc bực mình, các ngươi tội gì phải bày bàn cờ ở
những nơi đó”. Mực trên tay đậm dần, lại nói: “Tuy nhiên, những chỗ
không có bút tích của ta ở Mạnh Xuân viện cũng ít, nếu quả thực chàng có cảm thấy chướng mắt, ngươi xem xử lý như thế nào, hoặc là bóc hết vỏ
cây có khắc chữ đi, xóa bỏ hết chữ viết trên đá đi vậy”.
A Lan
Nhược nói một cách rất thoải mái, nhưng những dòng đề tự đó, lão quản
gia không nỡ xóa bỏ. Trong lòng lão cảm thấy có thể là nàng đã nghĩ nhầm rồi, lại cảm thấy cho dù nàng đã nghĩ đúng, nhưng chẳng phải Trầm Diệp
không hề nói ra rằng ngài ấy cảm thấy chướng mắt những dòng đề tự kia
sao. Vậy phải xử lý chúng như thế nào, hủy bỏ hay giữ lại, hãy đợi tới
một ngày nào đó chính miệng ngài ấy nói ra rồi xử lý sau vậy.
Tính ra mới có mấy ngày cũng đã xảy ra không ít chuyện, nhưng Trầm Diệp được đưa vào trong phủ của công chúa với tư cách chế tạo gương lưu ly cho
thái tử Dạ Hoa, mặc dù chỉ là một cái cớ nhưng bề ngoài vẫn phải làm
chút gì đó. Trong Mạnh Xuân viện đã sớm chuẩn bị cho Trầm Diệp một căn
phòng, ngay cả nguyên liệu để chế tác, mấy ngày gần đây cũng đã tập hợp
đầy đủ, chỉ đợi ngày khai lò luyện gương. Văn Điềm lại tới tìm A Lan
Nhược, nói rằng sớm đã nghe được tin đồn về việc Trầm Diệp chế tạo
gương, luôn muốn được mở rộng tầm nhìn, lần này chàng luyện gương cần
tìm một trợ thủ, nàng ấy tự đề cử mình, cầu xin công chúa ban cho một cơ duyên.
A Lan Nhược ban cho nàng ấy cơ duyên đó.
Tô Mạch
Diệp gõ vào miệng chén, nói với nàng: “Điệu bộ này của Văn tiên sinh,
giống như là thực sự đã có tình cảm với Trầm Diệp, nàng ấy cầu xin ngươi điều gì, ngươi đều đáp ứng, sự rộng lượng đó khiến ta rất khâm phục”.
A Lan Nhược nghiêng người rót trà cho chàng ta: “Trầm Diệp có nhân duyên
của chàng, chàng không có tình cảm với con không phải là lỗi của chàng,
sư phụ muốn con vì thế mà trở thành một tiểu nhân vì ghen tức mà sinh
hận thù hay sao?”. Lại nói: “Một nửa hận thù trên thế giới này đều là
thù niệm tự sinh mà thôi, con lại không cảm thấy cần thiết phải thù hận, đây có lẽ cũng là cái lợi của việc chưa từng có được. Lần này chẳng qua chỉ là tạo điều kiện cho nhân duyên của chàng mà thôi, hành động tiện
tay sao có thể nói rằng rộng lượng hay không rộng lượng”.
Hồi
lâu, Tô Mạch Diệp nói: “Ta vốn dĩ không nghĩ rằng ngươi sẽ vì chuyện này mà sinh lòng căm phẫn, nhưng cũng khó tránh khỏi việc để tâm. Ta chỉ
đang nghĩ, nếu một ngày ngươi vì hắn ta mà căm hận, sẽ là vì điều gì?”.
A Lan Nhược xoay ly trà trong tay: “Đó nhất định là vì đã từng có được.
Ví dụ chàng yêu con, sau đó không yêu nữa, lại đi yêu người khác”. Lại
tự cười nói: “Chuyện nhi nữ tình trường nhỏ như cát bụi, sư phụ nghe
xong chắc sẽ thấy ê răng, nào, hãy uống một ly trà cho đỡ ê”.
Tô
Mạch Diệp nhìn vào trong ly trà: “Thế gian có chuyện lớn, cũng có chuyện nhỏ, thế nào là chuyện lớn, thế nào là chuyện nhỏ, điều này lại rất khó phân định, ví dụ như chuyện tình trường giữa thái tử Dạ Hoa và thượng
thần Bạch Thiển ở Cửu Trùng Thiên, ta cảm thấy không thể coi thường”.
A Lan Nhược nói: “Sư phụ nói đúng, tuy nhiên chuyện của con chỉ là chuyện không tưởng, con cũng chưa từng nghĩ tới”.
Phàm giới có một vị hiền nhân đã nói, chuyện trên đời này không có gì là
tuyệt đối, có lẽ muốn nói tới điều này. Các thần tiên luôn tự phụ rằng
mình trường thọ, chưa đến lúc thất ý thì chưa tìm hiểu thiên mệnh. Có
biết thế nào là thần tiên không, không phải con cháu các vọng tộc sinh
ra đã là thần, phàm là yêu tinh hay người phàm trần muốn tu luyện thành
tiên đều phải từ bỏ lục dục thất tình. Lục dục đã dứt bỏ rồi, cũng chẳng còn gì để thất ý, vì vậy trong việc bàn luận về sự chưa biết, đại đa số thần tiên thực ra không bằng người phàm trần.