
c tường đang xây dở, thấy chỗ râm mát, bà dừng chân nghỉ,
lấy quạt trong bọc ra phe phẩy.
Bỗng “bộp” một cái, miếng vữa bằng cái bát từ trên giàn rớt ngay vào áo. Giật mình ngước lên, bà lớn giọng mắng kẻ vô ý. Bọn thợ trên giàn nhìn
bà cười hô hố.
- A ! Tụi này hỗn láo quá ! Ở Miyamoto, chúng bay dám cười ta thế chăng ?
Nhưng tiếng cười càng to, vừa chế nhạo vừa khiêu khích.
- Con mẹ khùng ấy nói gì thế ?
- Đứa nào láo ? Này ta bảo cho mà biết, ta đáng tuổi mẹ chúng bay, đừng có hỗn !
Nhưng bọn thợ chẳng vì thế mà ngưng cười. Chúng còn trao đổi với nhau những câu ra ý dè bỉu khiến bà tức lộn ruột.
Trời nóng nực càng như quạt thêm lửa giận trong lòng, vừa mắng nhiếc, bà vừa lay cây cột chống. Tấm ván trên giàn đổ nhào, bọn thợ hồ ngã xuống
kéo theo nào thùng nước, nào vôi cát bắng tung tóe. May mà bà Hồ Điểu
tránh kịp và giàn tre cũng không cao nên không ai việc gì. Bọn thợ văng
tục, vây quanh bà xắn tay áo định làm dữ. Bà Hồ Điểu cũng chẳng vừa, rút ngay cây gươm cũ ra. Tuy là gươm thờ lâu ngày cùn nhụt, nhưng trong tay một người có hành động liều lĩnh để tự vệ, nó cũng khiến bọn kia e dè
không dám sấn tới.
Kẻ qua đường hiếu kỳ bắt đầu bu đông. Thấy bà lão dữ quá lại lăm lăm cây gươm, bọn thợ hồ đồ rằng bà cũng thuộc dòng dõi kiếm sĩ gì đây nên sợ
liên lụy, đưa mắt nhìn nhau rồi rút vào một xó dọn dẹp, thỉnh thoảng
liếc mắt lườm nguýt bà và lẩm bẩm chửi rủa.
Sự thay đổi thái độ ấy làm bà Hồ Điểu hài lòng. Bà tra gươm vào vỏ, phủi áo, rẽ đám đông bước ra, không quên quay lại mắng vài câu lấy lệ.
Ruồi nhặng vo ve trên những đống rác. Mùi hăng ngai ngái của phân bò
phơi nắng luẩn quẩn trong bầu không khí oi ả. Bà Hồ Điểu mới đi được
chừng quãng ngắn, bỗng thấy một thiếu niên xách thùng nước bẩn chạy
theo, đổ vào lưng bà, tiếp theo là những tiếng cười hăng hắc. Thiếu niên này dáng thợ thuyền, chắc cũng cùng cánh với bọn thợ hồ lúc nãy. Đổ
nước xong, hắn xách thùng trốn mất dạng sau những đống gạch vụn và tre
gỗ ngổn ngang gần đó. Bà Hồ Điểu tức lặng người, không biết xử trí ra
sao, đứng la hét chửi rủa một hồi, rồi cung cúc đi giữa những cặp mắt
lãnh đạm của khách bộ hành qua lại.
“Đời bây giờ chẳng còn luân thường đạo lý gì ! Không ai trọng nể người già cả.
Nếu chẳng phải vì thằng Mãn Hà Chí thì không bao giờ ta ở đây thêm một ngày nào nữa”. Bà tự nhủ.
Xung quanh bà, cái gì cũng mới:
những ngôi nhà mới dựng hoặc vừa được xây xong, gạch ngói còn đỏ au, cây mớ trồng, đường mới đắp, thợ thuyền đều là những thanh niên trẻ trung
lực lưỡng. Chỉ có bà là già, không hợp thời, không đúng cảnh ngộ, lạc
lõng và bị chế nhạo. Tủi cực dâng lên trong lòng, bà khóc. Kéo vạt áo
lau nước mắt, vạt áo ướt nhẹp. Bà lấy tay vắt mũi, bàn tay nhăn nheo, da điểm đồi mồi lấm tấm. Con đường đông người mà sao bà Hồ Điểu thấy cô
độc như đang đi trong sa mạc.
Đến khúc rẽ, một đống đất cao nghều nghệu chắn cả lối đi. Gần đống đất
có cắm bảng chỉ lối vào một nhà tắm công cộng. Bà Hồ Điểu theo hướng
chỉ, đến nhà tắm mua tấm thẻ gỗ, cởi áo ngoài ra giặt rồi treo lên sào
phơi. Tắm xong, ngồi đợi áo khô bên gốc cây, bà đưa mắt nhìn mông lung
xung quanh.
Chỗ nào cũng thấy cất nhà, dựng quán. Sau quầy gỗ của một ngôi hàng xén
nhỏ, một cô bé tuổi chừng mười lăm, mười sau, mãi soi gương kẻ lại lông
mày. Cử chỉ quen thuộc ấy nhắc bà nhớ lại những năm còn trẻ khiến tự
nhiên bà có cảm tình với cô bé xa lại. Đó là hảo cảm đầu tiên bà có giữa những cảnh náo nhiệt chen lấn và những lời mặc cả ồn ào ở chốn kinh đô
đang được tạo lập này.
Loáng thoáng vài câu trả giá miếng đất đưa đến tai. Bà ngạc nhiên không
hiểu sao một khoảnh đất rộng chừng ba trượng, sâu chừng chục trượng mà
giá đắt đến thế, bằng một mẫu đất hay ruộng tốt ở quê nhà.
Bỗng nghe tiếng động sau lưng. Bà có cảm giác như ai vừa sờ vào áo. Giật mình quay lại, thằng kẻ cắp đang lần lưng bà. Bà nắm tay nó. Trễ mất
rồi, nó đã giật mất túi tiền bà buộc hờ ngoài áo lót sau khi tắm.
- Ối kẻ cắp ! Bắt thằng ăn cắp !
Vừa la hoảng, bà Hồ Điểu vừa nhoài người ra ôm lấy nó. Nó đạp mạnh một
cái khiến bà ngã lăn ra nhưng trong tay vẫn còn nắm được vạt áo nó. Sực
nhớ đến thanh gươm, bà rút ra chém loạn.
Gã kẻ cắp tháo chạy, nhưng chẳng được xa. Dường như bị thương ở chân, gã chạy tập tễnh được một quãng. Có người đi ngược tới, nghe tiếng kêu,
chẳng biết nếp tẻ ra sao, túm ngay được nó. Thì ra thằng Cốt Mục chuyên
nghề cắp vặt trong vùng. Người ta trói nó lại và đi mời Diệp Hàn Khang
đến phân xử.
Diệp Hàn Khang chẳng phải là kiếm sĩ hay phán quan gì ở địa phương. Ông
chỉ cai quản một toán thợ chừng mấy chục người, thầu xây cất nhà cửa khi có khách gọi đến. Nhưng ông được tín nhiệm và kính trọng nhờ tính công
bằng và lòng thương người, ưa giúp kẻ hoạn nạn.
Diệp Hàn Khang đến, thấy Cốc Mục bị trói gô nằm dưới đất, đã biết ngay là có chuyện gì rồi. Ông gọi gia nhân tới truyền lệnh:
- Trồng cây cột rồi kiếm miếng ván và bút mực đem đến đây.
Nghe nói trồng cột, Cốc Mục lo lắng ra mặt, van lạy:
- Chủ nhân tha cho, nô tài xin chừa. Từ nay sẽ về làm nghề