
g cảm thấy ấm áp hơn, như người
đang đói được dự một bữa tiệc thịnh soạn. Chắc đó cũng là chủ ý của Yến
Nương. Càng nghĩ ông càng thấy nàng quả là một thiếu phụ đặc sắc và tế
nhị.
Thạch Đạt Lang ngồi trên chiếc bồ đoàn trong góc. Bản tính hắn vốn e
thẹn trước mặt đàn bà con gái, vả lúc sơ kiến hắn chẳng muốn có những
hành động sỗ sàng.
- Đại hiệp nữa ! Xin mời đại hiệp lại gần đây sưởi ấm.
Hắn chỉ ậm ừ. Lần đầu tiên tiếp xúc với một người mà cả đất thần kinh
coi như đệ nhất danh kỹ, trong một không khí phong lưu, thanh lịch cùng
với các bậc tiền bối hắn ngưỡng mộ, Thạch Đạt Lang dè dặt trịnh trọng.
Hắn mang mặc cảm tự coi mình quê mùa, không lấy làm thích thú như lúc
được ngồi trong một quán nhỏ ven đường, bên chiếc bàn gỗ tạp, ăn uống tự do.
Mời mọc mấy lần, Yến Nương phải đến kéo hắn tới bên lò sưởi, hắn mới làm theo, miễn cưỡng giơ tay ra trước ngọn lửa. Nhìn tay áo Thạch Đạt Lang, Yến Nương thấy một vết loang đỏ. Nhân khi mọi người mãi chuyện vãn,
nàng rút khăn ra lau vết loang ấy.
- Đa tạ cô nương.
Nếu Thạch Đạt Lang im lặng đừng cảm ơn thì chẳng ai để ý. Nhưng nghe hắn nói, mọi người quay nhìn. Mắt mở lớn ngạc nhiên, Lưu tướng công hỏi:
- Máu phải không ?
Yến Nương mỉm cười:
- Không. Chỉ là cánh mẫu đơn nở sớm. Nước sôi vừa đúng độ, đồ dùng pha
trà sẵn sàng để bên, Yến Nương thoăn thoắt đổ bột trà vào bát, châm nước sôi, đánh cho trà ngầu bọt. Những cử chỉ ấy nhanh nhẹn, tự nhiên và nếu chú ý hình như có một chút gì nồng ấm trong khóe mắt và nụ cười của Yến Nương mỗi khi nàng bưng trà đến cho khách. Đôi má lúm đồng tiền càng
tăng vẻ quyến rũ khiến Bạch Phát thi sĩ, nhà thơ đa tình, cứ ngây người
ra ngắm.
Lửa bắt đầu lụi. Yến Nương bỏ thêm củi vào lò. Tiếng than nố lách tách,
khói trắng bốc cao, tỏa mùi thơm nhè nhẹ. Ngửi mùi thơm khác lạ, Lưu
tướng công hỏi:
- Nàng đun củi gì thế ? Mùi này không phải mùi củi thông.
- Dạ không phải. Đấy là gỗ mẫu đơn.
Mọi người ngạc nhiên vì mẫu đơn mọc thành bụi, làm gì có gỗ mà dùng làm
củi sưởi. Nhưng Yến Nương đã cầm một khúc đưa Lưu Cát xem. Khúc gỗ nhỏ,
thớ vặn vẹo, khô đanh, rất nhiều mắt, cành cụt chĩa ra tua tủa.
- Những gốc này tiện nữ cho đào ở vườn ngoài, đem phơi để dành làm củi sưởi.
Tuy không nhiều nhưng cũng đủ dùng. Khu vườn quý tôn khách đi qua lúc
nãy trồng toàn mẫu đơn có đến hàng trăm năm nay, nhiều cây đã cỗi nên
không ra hoa to nữa. Tiện nữ lựa những cây nào tốt và thuộc giống quý
mới để lại.
Thạch Đạt Lang thấy hay hay, tò mò hỏi:
- Theo ý cô nương, thế nào mới là giống mẫu đơn quý ?
- Mẫu đơn là hoa vương, hoa nào cũng đẹp. Nhưng theo thiển ý, giống hoa
tốt phải to, nhiều cánh và thuần sắc, như vậy mới xứng đáng là phú quý
chi hoa. Tỷ như những khóm trồng ở ngoài kia có tên Đại Hồng Phấn và Mỹ
Nhân Kiểm là những thứ đặc biệt lắm. Đại Hồng Phấn hoa to, đỏ, mịn như
nhung và Mỹ Nhân Kiểm trắng như tuyết không có một tạp sắc nào.
- Cô nương rành về mẫu đơn lắm nhỉ.
- Đại hiệp quá khen. Những điều nhỏ nhặt ấy, tiểu nữ đều đọc ở trong sách.
Rồi đăm đăm nhìn Thạch Đạt Lang, nàng nói:
- Mẫu đơn là hoa vương. Cho nên sau khi chết, gốc nó vẫn giữ được tính
chất khác thường. Cũng như có những người giá trị của họ không thể lẫn
với những người tầm thường được. - Và mơ màng như để nói với chính mình - Trên đời này, mấy ai được như hoa mẫu đơn kia, khi cánh đã héo rồi danh thơm còn lưu mãi.
Lời Yến Nương gieo mối cảm hoài sâu xa trong lòng khách. Mọi người ngồi im không nói. Lát sau Đại Quán mới lên tiếng:
- Trong cuộc nhân sinh ngắn ngủi này, con người chúng ta chỉ nở hoa vào
lúc thanh xuân thật, nhưng sinh tử vốn hư không, có lìa bỏ được ý niệm
phân biệt sinh tử mới gọi được là giải thoát.
Yến Nương với tư cách chủ nhân, yêu cầu quan khách lưu chút kỷ niệm. Lưu Cát tướng công bèn bảo Cổ Huy Đạo:
- Chủ nhân đã yêu cầu, xin nhường tiên sinh khai bút.
Con hầu mang giấy mực ra, trải thêm tấm thảm lên sàn. Cổ tiên sinh cầm
bút, trầm ngâm giây lát rồi chấm vào nghiên mực, tay đưa thoăn thoắt
trên tờ giấy lụa vân.
Nét bút tung hoành, chẳng mấy chốc đã thấy hiện ra một cành mẫu đơn
trông sinh động như thật. Nhìn hoa, Đại Quán cao hứng, viết ngay một bài cảm đề theo thể thơ hài cú:
Vướng mắc gì trong vòng hệ lụy ?
Cánh hoa kia tuy đẹp Nhưng rồi cũng tàn phai.
Bạch Phát lão nhân thì chọn thể thơ tứ tuyết:
Hoa tươi không nỡ hái Hoa rụng lòng bâng khuâng Vườn khuya bông tuyết trải Hạt bụi vào hư không.
Đọc thơ, Yến Nương mắt rướm lệ. Riêng Thạch Đạt Lang mừng thầm, vì chẳng ai bảo hắn đề thơ lưu niệm.
Bức tranh được treo lên, Yến Nương cúi đầu tạ khách. Bỗng có người lên tiếng:
- Chủ nhân nổi tiếng danh cầm, sẵn có đàn tỳ, sao không dạo nghe một bản ?
Vâng lời, Yến Nương đến bên vách nâng đàn, rồi không đợi giục, kéo bồ
đoàn ngồi giữa phòng, vặn giây so phím, lựa một khúc hợp với tâm sự.
Mới đầu còn gẩy vài tiếng, tuy chưa thành khúc điệu mà đã tỏ ra lão luyện.
Tiếng đàn từ dây này sang dây khác vang lên, lúc khoan lúc nhặt, bộc lộ
niềm u uẩn. Tiếng nào cũng mang nặng nỗi bất đắc chí thuở bình sinh