
mình mở mắt. Nhìn thiền sư, ông ngạc nhiên nhỏm dậy có ý hỏi. Đại Quán giải
thích về sự có mặt của mình nhân đến thăm và cùng đi với tướng công Lưu
Cát. Ra phòng ngoài, Cổ Huy Đạo nói:
- Nếu có Lưu tướng công thì lão phu cũng sang bên ấy vấn an nhân thể.
Rồi quay về phía Thạch Đạt Lang:
- Cả tráng sĩ nữa ! Về làm gì vội, sáng mai về cũng chưa muộn.
Thế là cả ba bỏ sang đại sảnh phía đông.
Đến nơi, Hải Chính Hành và Lưu Cát không còn ai uống rượu nữa. Cả hai
ngồi yên lặng nhìn nhau, đờ đẫn như đắm chìm trong một nỗi buồn vạn cổ.
Bọn kỹ nữ cũng đã bỏ đi, chỉ còn Cúc nương ủ rũ trong góc, tay vẫn ôm
đàn, thỉnh thoảng nhấn một cung, nghe nghẹn ngào và xót xa như tiếng nức nở.
Cổ tiên sinh nhìn cảnh này không khỏi lẩm bẩm:
- Tịch mịch quá ! Hay ta về quách !
Mọi người phân vân. Nghĩ cho cùng, thế cũng phải. Kéo dài thêm cái không khí “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” này ra làm gì, mất hứng thú. Bèn
chẳng ai bảo ai, lục tục đứng dậy sửa mũ áo.
Bỗng có tiếng gõ cửa. Một tỳ nữ bước vào vừa thở dốc vừa nói:
- Xin quý khách lưu lại chút nữa. Cô nương cháu muốn mời quý khách quá bộ lại tư thất.
- A ! Ai thế ? Phải Yến Nương chăng ?
- Dạ phải. Cô nương cháu xin tạ lỗi và xin quý tôn khách thông cảm cho
cô cháu chẳng thể chiều lòng riêng một ai. Nếu bồi tiếp Lưu tướng công
thì Bạch Phát tiên sinh buồn, mà chiều Bạch Phát tiên sinh thì để Lưu
tướng công ngồi một mình sao đành dạ !
Nên cô nương cháu xin thỉnh tất cả quý tôn khách đến tư thất để cô nương cháu được hân hạnh hầu tiếp.
Mọi người, trừ Thạch Đạt Lang ra, nhìn nhau ngạc nhiên, không tin điều ả thị tỳ vừa nói. Vì Yến Nương là danh kỹ đất thần kinh, rất được sủng
ái, từ trước đến nay không tiếp ai tại tư gia bao giờ, dù người đó là
bậc công khanh có thế lực đến đâu đi nữa. Nay lại mời cả bọn về nhà là
có ý gì ?
Nhưng dịp may chẳng muốn bỏ lỡ, ai cũng vui vẻ nhận lời. Lưu Cát và Hải Chính Hành tỉnh hẳn rượu, bảo ả tỳ nữ:
- Nhà cô nương ngươi gần đây không ?
- Dạ cũng không xa, ngay cuối trang viện này. Xin quý khách theo tiểu nữ.
Thạch Đạt Lang không có ý kiến, nhưng nghe lời Cổ Huy Đạo khuyên cũng
đi. Bèn gọi người mang giày cỏ để đi tuyết đến, rồi cả năm người theo
chân ả nữ tỳ ra ngoài.
Tuy là khách quen. Hải Chính Hành và Cổ Huy Đạo không biết chỗ ở của Yến Nương. Cả hai đoán nàng sẽ đãi trà vì được biết Yến Nương cũng là một
đệ tử trung thành của trà đạo. Phải rồi ! Giời lạnh thế này, ngồi uống
trà trong phòng ấm với mỹ nhân, còn gì thú hơn nữa.
Quanh co mãi, khỏi đường lớn, đến một khu đất cây cối lưa thưa, tuyết
phủ đầy, vẫn chưa thấy nhà cửa gì, Hải Chính Hành sốt ruột hỏi:
- Ngươi dẫn chúng ta đi đâu mà đến chỗ toàn gai góc thế này ?
- Không phải gai đâu, thưa khách quan. Đây là vườn mẫu đơn. Tư thất của
cô nương cháu ngay sau vườn này. Đến cuối xuân, mẫu đơn nở, chúng cháu
thường hay bắc ghế ra ngoài vườn ngồi ngắm hoa, thích lắm.
- Ờ ! Nhưng giờ khác. Trời thế này mà cứ ở ngoài lạnh lỡ cảm hàn thì khốn.
- Dạ cũng gần đến rồi.
Quả nhiên lát sau đã thấy một căn nhà gỗ hiện ra. Trước nhà có miếng vườn nhỏ.
Cây đèn đá trong góc tỏa vòng ánh sáng tròn chiếu mấy khóm mẫu đơn đã
bắt đầu trổ nụ. Bên hiên, cây tùng nghênh khách đứng nghiêm chỉnh, tuyết còn nặng trĩu trên cành chưa rụng.
Cả bọn năm người bước lên thềm, tháo giày cỏ rồi lần lượt theo ả nữ tỳ vào phòng.
Phòng bài trí thật đơn sơ, không ai ngờ đây là tư thất của một danh kỹ đương thời.
Trong góc, lò sưởi cháy bập bùng. Xà nhà màu nâu gụ, có lẽ dựng đã lâu
nên nhiều chỗ nứt nẻ và khói ám đen nhưng được giữ rất sạch sẽ. Không có bàn ghế gì, chỉ có sáu cái bồ đoàn và một cái kỷ thấp dùng làm chỗ ngồi chơi. Trên vách, đối diện với chiếc kỷ, treo bức thư họa, vẽ đôi chim
nhạn đang bay, nét chữ trên bài thơ cực kỳ xương kính.
Phía dưới đặt lọ hoa nhỏ men xanh, cắm độc nhất một bông trà. Bên cạnh, dựa vào vách là cây đàn tỳ đã cũ.
Chủ nhân bước ra, mặc kimono vàng nhạt, thắt lưng lụa đen. Nàng trang
điểm rất giản dị, mái tóc cầu kỳ không còn nữa, làn suối mun được buông
lơi, thả tự nhiên cho chảy xuống lưng và chỉ buộc hờ bằng một sợi dây
lụa đỏ. Phấn hồng phớt nhẹ trên má và mắt nàng để tự nhiên, long lanh
như nước hồ thu, nét đan thanh không bút nào tả xiết.
- Ồ ! Yến Nương ! Sao duyên dáng và yêu kiều đến thế !
- Đẹp lắm ! Mà cũng tân kỳ nữa. Nàng định mời chúng ta gì đây ?
Trong khung cảnh này, quả thật chẳng cần phấn son và trang phục rườm rà, Yến Nương đã gây xúc động. Cổ Huy Đạo là người khó tính cũng phải khen:
- Khéo lắm ! Chủ nhân thật có khiếu thẩm mỹ.
Yến Nương khiêm tốn cảm tạ. Phân ngôi chủ khách xong, nàng gọi con hầu sửa soạn đồ trà, rồi nói:
- Tiện nữ mời tôn khách đến đây cốt để tạ lỗi. Tệ xá nghèo nàn chẳng có
gì trân quý kính dâng, chỉ có lửa ấm và trà ngon. Thiển nghĩ tôn khách
chẳng nỡ từ chối vì lửa ấm cũng như lòng thành trong một đêm lạnh như
đêm nay thì người nghèo cũng như người giàu ai ai cũng mong ước cả.
Mọi người gật gù, tán thưởng. Hơi ấm trong lò tỏa ra phả vào mặt, Cổ Huy Đạo nghĩ đến lần đạp tuyết vừa qua, càn