
ngã ba, gặp
toán phục kích đổ lên, toán sau ập tới, như một con thú nguy hiểm bị dồn vào góc rừng, Thạch Đạt Lang gầm lên. Bản năng tự vệ nổi dậy, mắt rực
đỏ màu hổ phách, hắn vung kiếm đâm hữu phạt tả, đem hết khả năng bảo
toàn sinh mạng.
Thạch Đạt Lang sử dụng kiếm khác hẳn với các kiếm sĩ đương thời. Phần
lớn trong kiếm thuật bấy giờ, nếu lưỡi kiếm chém hụt, tất cả uy lực của
chiêu kiếm bị mất vào quãng không và người dùng kiếm phải rút kiếm về,
bắt đầu một chiêu khác. Dù nhanh đến đâu đi nữa, sự rút kiếm về như vậy
cũng mất thời gian và cả uy lực của chiêu kiếm trước coi như mất hết.
Thạch Đạt Lang trái lại đã không rút kiếm về. Hắn tiếp tục sử dụng uy
lực của chiêu nọ tiếp chiêu kia, liên tu bất tận dù cả khi kiếm trúng
đích. Lẽ dĩ nhiên dụng kiếm như thế phải có công lực hết sức dồi dào,
lưỡi kiếm sắc bén, chặt xương như gọt khoai vậy. Cho nên trong trận giao tranh hiện nay, đường kiếm của Thạch Đạt Lang như hai vệt sáng đan
nhau, hay nói khác đi như hai lá thông nối đầu với nhau vậy. Cách biến
chiêu của hắn cũng thần tốc và dũng mãnh lạ kỳ, hắn đã tự phát minh và
khai triển khi ở trong rừng nhìn những lá thông cuồn cuộn trong một trận cuồng phong, đâm vào đầu và mặt hắn.
Lối sử kiếm này chẳng theo chiêu thức nào nhất định, không thuộc trường
phái nào nên không ai biết và dĩ nhiên chẳng được coi là chính thống.
Nhưng chính thống hay không, Thạch Đạt Lang không cần, miễn nó nhanh và
hữu hiệu. Quả vậy, trong trường hợp một mình phải chống với số đông, lối sử kiếm của Thạch Đạt Lang thật vô địch.
Đồ chúng Hoa Sơn kể cả những cao thủ của môn phái, không rõ điều đó, cứ
lăn xả vào và trở thành mồi ngon cho lưỡi gươm của Thạch Đạt Lang.
Thấy địch thủ quá dũng mãnh, Ưng Đằng, một trong bảy cột trụ còn lại của Hoa Sơn phái, thận trọng hơn, huy động đệ tử dàn thành thế trận. Ông đã có chủ ý:
vô hiệu hóa những đường gươm tàn độc của Thạch Đạt Lang bằng cách dùng
trường thương giữ cho hắn ở xa. Dưới ánh sáng của vầng đông càng lúc
càng rạng, hắn sẽ trở thành cái bia dễ dàng cho súng hỏa mai và cung nỏ.
Không rõ Thạch Đạt Lang có biết ý ấy không, nhưng hắn đã không rơi vào bẫy.
Đường gươm dũng mãnh của Thạch Đạt Lang rít lên vù vù, tiện đứt đầu các cây thương ở gần, gọn gàng như chém chuối.
Không đầy chớp mắt, hắn đã phạt ngang hạ bàn một đệ tử Hoa Sơn rồi hươi
ngược kiếm chém vào ngực Ưng Đằng. Ưng Đằng kịp thời ngửa mình ra sau
tránh khỏi, nhưng cũng bị rách áo. Ông phóng chiêu phản kích liền, nhằm
vào bụng Thạch Đạt Lang hy vọng hắn sẽ phải thu kiếm về. Không ngờ Thạch Đạt Lang khi chiến đấu, cực kỳ liều lĩnh và vì hắn không học trường
phái nào nên chỉ tùy cơ ứng phó. Khi mũi gươm đến gần, Thạch Đạt Lang
thót bụng nghiêng mình né tránh rồi xoay người đưa ngược lưỡi kiếm của
hắn vào gáy Ưng Đằng. Biến chiêu hết sức mau lẹ và chính xác:
lưỡi kiếm xuyên qua gáy lão cao thủ Hoa Sơn, lòi ra đằng trước đến một
tấc. Ưng Đằng không thốt được lời nào, ngã sấp. Thạch Đạt Lang rút kiếm
ra, máu tuôn có vòi.
Sự kinh hoàng gần như làm tê liệt những đệ tử còn lại. Nhân cơ hội,
Thạch Đạt Lang xông vào chém giết không tiếc tay, mở đường máu nhằm
thoát khỏi vòng vây. Xác đồ chúng Hoa Sơn chết nằm la liệt trên đồi cỏ,
máu loang thành vũng. Bóng Thạch Đạt Lang vùn vụt chạy xuống dốc khi ẩn
khi hiện, nhấp nhô sau những hòn quái thạch hai bên sơn đạo.
Đao, thương phóng theo, tiếng reo hò dậy đất lẫn với những tiếng kêu rên của kẻ sắp chết gây thành cảnh tàn bạo, hỗn độn và bi thương vô tả.
- Thạch Đạt Lang ! Đồ súc sinh hèn nhát !
- Thằng du đãng khốn kiếp kia ! Hãy quay trở lại ! Chúng ta không để mày trốn thoát.
Mặc ! Thạch Đạt Lang cứ chạy. Dường như hắn không lưu ý gì đến những lời nguyền rủa, chỉ mong ra khỏi chỗ nguy hiểm này. Cuộc chiến càng kéo dài càng bất lợi cho hắn.
Về phương đông, trời đã sáng hẳn. Tay hắn nhớp nháp những máu tanh nồng, hắn vừa chạy vừa đổi tay kiếm, lau vào vạt áo ngoài trên đó máu với óc
nhuộm loang lổ từng mảng cứng như da trâu và đỏ sẫm.
Thình lình, một toán đệ tử Hoa Sơn có đến hai chục người mặt mũi nhem
nhuốc dưới lớp bùn hóa trang, từ chỗ mai phục nhô lên, hò hét. Thạch Đạt Lang đã thấm mệt.
Hắn muốn tránh đám đông giận dữ ấy nhưng không lối thoát. Bên phải là
vực sâu, bên trái là vách đá trơ trọi, đằng sau địch quân đuổi gần tới.
Những tiếng la “Giết ! Giết !”, tiếng chân rậm rịch dội vào vách đá vang động đồi núi.
Bị dồn vào tuyệt lộ, Thạch Đạt Lang nhất quyết bán đắt sinh mạng. Thần
chết là kẻ đồng hành với người kiếm sĩ. Câu ấy đối với hắn không lúc nào có nghĩa hơn lúc này.
Hắn nhảy đến ẩn vào bóng tối một tảng đá lớn.
Khi đồ chúng Hoa Sơn từ trên sườn đồi đổ xuống tiếp sức được với toán ở
chân núi chạy lên thì không còn thấy Thạch Đạt Lang đâu nữa.
- Không lý gì thằng súc sinh ấy biến mất. Nó chỉ trốn đâu đây thôi ! Anh em hãy lục tìm cho kỹ.
- Bèn chia nhau thành từng bọn dùng giáo và chĩa ba đâm vào các bụi rậm.
- Thạch Đạt Lang ! Mày ở đâu ? Đồ hèn nhát ! Chuột nhắt !
Vù một cái, một bóng người từ sau tảng đá nhảy ra, như ch