
- Lão bá làm gì trên này ?
Người mang đèn tới, theo sau là một nhà sư dáng quắc thước, áo chùng màu nâu già, nón nan che kín mặt.
- A di đà Phật ! Bà Hồ Điểu ở Miyamoto đó phải không ?
- Đại sư là ai, sao biết tên ta ?
Nhưng thay vì trả lời, nhà sư lại hỏi:
- Oa Tử đâu ?
Nghe nhắc đến tên Oa Tử, bà Hồ Điểu mới sực nhớ. Trông xuống, tay bà vẫn giữ chiếc thủ cấp máu còn rỏ giọt. Chiếc thủ cấp da mặt xám ngoét, mắt
trắng dã, loang lổ những máu và đất. Mọi người giật mình kinh hãi lùi xa mấy bước.
Bà Hồ Điểu giơ cao thủ cấp lên, nhếch mép định nói câu gì, bỗng ngừng bặt trợn mắt:
- Ối ! Không phải đầu con Oa Tử.
Rồi vất thủ cấp xuống, bà trừng trừng nhìn theo run lẩy bẩy:
- Mãn Hà Chí ! Lầm rồi ! Lầm rồi ! Người này là ai thế này ?
Tiếng bà lẫn trong hơi thở khò khè như người suyễn. Bà nhìn lên. Nhà sư
đã bỏ nón ra từ bao giờ, sừng sững đứng trước mặt. Ông nghiêm khắc hỏi:
- Thí chủ nhận ra bần tăng là ai không ?
Như kẻ mất hồn, bà ú ớ:
- Đại Quán ! Sao thầy lại ở đây ?
- A di đà Phật ! Bần tăng ngẫu nhiên đi qua làng Sơn Ninh này và tình cờ cũng được biết thí chủ và Oa Tử cùng ở quán Đại Lộc. Thí chủ dẫn Oa Tử
đi đâu, phải chăng có ý định giết nàng.
- Phải.
- A di đà Phật ! Lòng từ bi của Đức Phật vô bờ, nhưng tội nghiệt này của thí chủ thật khó tha thứ. Lấy oán báo oán, oán ấy chập chồng. Thí chủ
hãy nghĩ kỹ:
giết Oa Tử có vãn hồi được danh dự của thí chủ không, hay chỉ làm cho
danh dự ấy thêm nhơ nhuốc ? Giết Oa Tử có mang lại hạnh phúc cho con thí chủ không hay chỉ làm cho nó thêm đau khổ ? Ý định sát nhân của thí chủ không phải là phương cách vẹn toàn, huống chi còn gây thêm cái chết tức tưởi cho kẻ vô tội này nữa. A di đà Phật ! Bần tăng xin Đức Phật nhiệm
mầu ban ơn soi sáng để thí chủ sơm hối ngộ.
Lời thuyết nghiêm nghị của Đại Quán thiền sư vang lên trong đêm tịch
mịch khiến mọi người im lặng cúi đầu. Nhưng chẳng lung lạc được bà Hồ
Điểu. Quan niệm về gia đình, hạnh phúc, danh dự đảng tộc là những thành
kiến thâm căn cố đế, nó đã ăn sâu vào tâm thức bà từ nhỏ, không thể nhất đán một sớm một chiều bỏ đi được. Thạch Đạt Lang và Oa Tử, hai kẻ đã
xâm phạm vào bức thành trì kiên cố ấy, đã làm nhục dòng họ bà, bà coi
như kẻ thù không đội trời chung. Nên bà phản ứng quyết liệt:
- Xì ! Thầy biết gì về gia đình với hạnh phúc ? Thầy có gia đình không ? Ở thì ở chùa, ăn cơm thí, ỉa đồng, áo quần vá táp nham tứ thời một
manh, thầy biết gì về tình mẹ con, về danh dự gia tộc mà nói ? Có bao
giờ thầy biết đến những khó khăn của người dân mang cơm cho thầy ăn đâu ! Trước khi thuyết cho người khác nghe, thầy hãy tự kiếm sống lấy cái đã. Nói thì hay lắm, nhưng vô tích sự.
Lời đối đáp của bà Hồ Điểu làm mọi người mỉm cười, kể cả Đại Quán. Tuổi
tác đã không làm bà bớt đi sự ác độc trong lời nói. Bà vẫn cay nghiệt
như xưa. Đại Quán lắc đầu bảo người trong bọn:
- Bác nào dẫn bà lão về quán. Nhớ cầm đèn theo kẻo vấp ngã.
- Cám ơn, ta không cần. Ta về một mình cũng được. Cho ta mượn cái đèn.
Một số người ở lại, bọc chiếc thủ cấp, rồi lần theo vết máu tìm đến thi thể kẻ bất hạnh.
- Quán chủ có biết người này là ai không ?
Đại Quán hỏi.
- Bây giờ còn tối không rõ được. Nhưng trông dáng dấp gầy mà cao thế này thì có lẽ là tên say rượu vẫn đến ngủ nhờ ở cổng ngoài miếu sơn thần.
Hắn tên Điểu Sơn Minh, trước sống ở chợ, ngoại thành Kyoto, ưa lừa đảo
ăn quỵt nên ai cũng ghét.
- Chúng sinh thật nhiều oan nghiệt, không hiểu vì cớ gì lại để cho bà Hồ Điểu cắt đầu như vậy. Quán chủ hãy vì bần tăng cho người khiêng giúp
lên miếu, sáng mai ta sẽ xin vị trụ trì một cái lễ và chôn cất hắn tử tế kẻo tội nghiệp.
Bỗng có tiếng kêu rối rít:
- Đại sư ! Đại sư ! Đậy lại có xác chết nữa !
Mọi người lật đật cầm đèn chạy đến.
- Ô ! Một thiếu nữ. Nàng chết rồi à ?
- Không. Chưa. Chỉ mới ngất đi thôi. Thạch Đạt Lang đi bộ dọc theo bờ
sông, lững thững hướng về phía Kyoto. Hắn nghĩ tới lời cha dặn. Cho đến
lúc chết, cha hắn, ông Mưu Ni Sai luôn luôn nhắc hắn phải ghi nhớ công
nghiệp hiển hách của tiền nhân. “Ta tuy chỉ là kiếm sĩ quê mùa ở một
làng hẻo lánh miền chân núi, nhưng con chớ quên con thuộc dòng dõi Yết
Mân, một dòng dõi đã từng nêu nhiều chiến tích anh dũng và góp phần xây
dựng nên xứ sở này. Con nên tự hào về công nghiệp ấy và phải cố noi
theo”.
Những lời trối trăn ấy của cha lúc lâm chung còn như vang vọng bên tai
Thạch Đạt Lang vừa bùi ngùi vừa cảm khái. Lại nghe nói tại ngã ba sông
Kogawa, chỗ hợp lưu của hai dòng suối lớn trước khi đổ vào đại hà chảy
ra biển, còn lưu lại di tích một căn nhà và một ngôi cổ miếu. Căn nhà
này thuộc dòng họ Yết Mân do tổ phụ hắn dựng lên đã lâu đời, có đến hàng mấy trăm năm trước.
Tiện dịp qua đây, hắn muốn viếng thăm cảnh cũ để biết thêm về nguồn gốc
của mình, xem những di vật của tiền nhân và vào miếu thắp hương tưởng
niệm. Nhưng đến nơi chẳng thấy nhà cửa gì. Hỏi thăm, không ai rõ. Có lẽ
nhà xưa, miếu cũ, không chịu nổi sự tàn phá của thời gian, đã sụp đổ
rồi; người ta dọn dẹp cày bừa san bằng thành ruộng.
Sự thay đổi sao mà nhanh chón