
uốn con cháu mình đến vui chơi ở
những nơi trà đình, kỹ viện, nhưng Cổ lão bà khác hẳn, lại có vẻ hân
hoan. Bà háo hức hỏi:
- Nào, mấy màu này tráng sĩ thích màu nào ? Cái này được không ?
Thạch Đạt Lang lúng túng:
- Vì lão bá và tiên sinh đã muốn, tại hạ không dám trái ý. Nhưng xin cứ
để cho vận y phục cũ. Tại hạ quen rồi, mặc thế này thoải mái hơn.
- Không được ! Tráng sĩ thấy thoải mái, nhưng phải nghĩ đến người khác nữa chứ.
Trong chốn ăn chơi như thế, phải làm như mọi người. Ai đến đó cũng là để quên những điều buồn bực, họ muốn mọi thứ xung quanh đều đẹp mắt, vui
tai. Không ai muốn thấy những gì luộm thuộm. Tráng sĩ đừng cho đây là
một sự giả trá để che đậy giấu diếm con người thật của mình. Vả lại,
những bộ quần áo này có gì là diêm dúa ? Chỉ sạch và đứng đắn thôi.
Tráng sĩ mặc vào cho lão coi thử.
Khi Thạch Đạt Lang ở phòng ra, Cổ lão bà cười hớn hở. Bà nghiêng cổ ngắm nghĩa, đi quanh hắn một vòng rồi nói:
- Được lắm. Trông điển trai lắm rồi !
Bà đưa hắn một cây kiếm vỏ nạm ngọc, một cái túi gấm đựng mấy đồng tiền
vàng và bỏ vật gì vào tay áo hắn không rõ. Đoạn đẩy hắn ra cửa.
Cổ Huy Đạo thắp hương trên bàn thờ tổ, vái mấy vái rồi cũng ra theo. Cổ lão bà tiễn chân hai người đến tận sân.
Ngoài hiên, họ xỏ chân vào dép mới do Cổ lão bà để sẵn và gọi gia nhân
ra chờ đóng cổng. Tên gia nhân đến gần lão bà nói nhỏ. Bà giật mình
ngước mắt nhìn Cổ Huy Đạo.
- Có chuyện gì vậy thưa mẫu thân ?
- Có ba người ăn mặc theo lối kiếm sĩ đứng chờ ở đầu cổng. Liệu đáng ngại gì không ?
Cổ Huy Đạo nhìn Thạch Đạt Lang có ý hỏi. Hắn đáp:
- Không sao. Chắc họ Ở võ đường Hoa Sơn. Có thể họ chờ tấn công tại hạ, nhưng tiên sinh thì không can gì. Để tại hạ ra trước.
Tên gia nhân nói thêm:
- Lúc nãy, một trong ba người có hỏi dò tiểu nhân về Thạch tráng sĩ ...
Cổ Huy Đạo nhướng lông mày:
- Thế ngươi bảo sao ?
- Dạ, theo lệnh chủ nhân, tiểu nhân đáp ở đây không có ai tên vậy. Hắn
tỏ vẻ giận dữ thì một kẻ trong bọn vội kéo ngay hắn đi, vừa đi vừa bàn
với nhau những chuyện gì không rõ.
Thạch Đạt Lang đề nghị:
- Vậy để tại hạ đi sau một quãng. Nếu xảy ra chuyện gì liên luỵ đến tiền bối, tại hạ thật ân hận lắm !
Nhưng Cổ Huy Đạo gạt ngang:
- Khách sáo ! Tráng sĩ đừng quan tâm. Bọn đệ tử đường Tân Hổ ấy, lão phu chẳng coi vào đâu đâu ! Thôi ta đi kẻo trễ.
Trời về chiều còn sáng. Cả hai thong dong trên đường nhỏ, men theo lạch
nước đến bờ sông chẳng gặp chuyện gì bất trắc. Gió xuân nhẹ mơn man. Mặt nước gợn sóng lăn tăn phản chiếu ráng chiều tím nhạt, hàng liễu xanh
biếc, rủ lá tha thướt ven sông, thanh bình và diễm lệ. Cảnh trí tươi mát gây lòng khoái hoạt, Cổ Huy Đạo hát một bài, liên tưởng đến Hải Chính
Hành, con người lúc nào cũng vui vẻ cợt đùa như cánh nhạn mùa xuân. Bèn
hỏi người bạn trẻ:
- Tráng sĩ nghe danh Hải Chính Hành bao giờ chưa ?
- Chưa. Chỉ mới được tiền bối cho biết lúc nãy. Vị đó thân thế ra sao ?
- Ông ta là bạn của lão phu, tính tình phóng khoáng không câu chấp. Lại ưa đùa cợt và sính làm thơ nữa.
- Ồ ! Vậy ra là một thi sĩ ?
Cổ Huy Đạo mỉm cười:
- Gọi như vậy cũng được, nhưng ông ta không sống bằng nghề cầm bút. Ông
ta xuất thân từ một gia đình buôn bán và cũng làm nghề ấy. Nói cách
khác, ông ta là lái buôn !
- Cái tên Hải Chính Hành không mang nghĩa đó. Chính hành là làm việc chính đính, hành vi của người quân tử ...
- Thì ai cũng nghĩ thế, nhưng hành đây là hành thương. Âu cũng là tiền
định. Tổ phụ Ông mang hàng hóa đi bán đây đó và đặt cho ông tên ấy. Ông
giữ nghiệp cũ, gặp cơ may, phất lên và tích lũy được một gia sản khá
lớn. Bây giờ ông thôi không hoạt động thương mại nữa, mặc cho con cái tự ý điều khiển cơ nghiệp, lui về làm thơ, chơi cây cảnh. Gần đến nhà ông
ta rồi đấy. Cái cổng đá lớn bề thế kia chính là cổng nhà Hải Chính Hành.
Mãi trò chuyện với Cổ Huy Đạo, Thạch Đạt Lang không ngờ có bọn chừng bốn năm người, y phục ra dáng kiếm sĩ đi xa xa phía sau theo dõi. Ngẫu
nhiên ngoảnh lại hắn mới để ý bọn họ chạy nấp vào gốc liễu. Gió chiều
bỗng trở lạnh và ẩm. Phía đông, mây đen từng đám đùn lên báo hiệu một sự thay đổi thời tiết đột ngột. Áo hai người bộ hành bay phần phật. Thạch
Đạt Lang ngạc nhiên thấy tay áo bên trái của hắn không nhẹ nhàng tung
bay như tay áo bên phải. Nó nặng nề dường như có đựng vật gì ở trong.
Hắn thò tay vào áo lấy ra một sợi dây da thuộc màu nâu mềm, thứ dây da
các kiếm sĩ vẫn dùng để buộc cửa tay trước khi lâm chiến. Hắn sực nhớ
đến Cổ lão bà khi trao áo cho hắn, đã bỏ vật gì vào đó. Chắc là cái này
đây. Chỉ có bà mới tế nhị như thế. Lòng yêu thương và sự ân cần của bà
khiến hắn cảm động. Nhìn Cổ Huy Đạo, ông vẫn điềm nhiên trò chuyện,
Thạch Đạt Lang quay lại phía sau mỉm cười bâng quơ với những kẻ theo
dõi.
Đến trước nhà Hải Chính Hành, Cổ Huy Đạo gọi cổng. Một tiểu bộc tay còn
cầm cái chổi bước ra, mời vào. Ông theo tên bộc đi một quãng ngắn, bỗng
có cảm giác khác lạ, quay lại thấy Thạch Đạt Lang đang bị bốn kẻ lạ mặt
bao vây. Ông dừng lại gọi.
- Tiên sinh cứ đi trước, đừng chờ. Tại hạ theo vào ngay đây !
C