
đó, chàng lập tức không còn cảm thấy rầu rĩ
nữa. Trong đại lễ ngày hôm nay mà lại gặp người tới gây gổ, Liên Tống
quân phe phẩy cây quạt ngồi tựa ghế, cảm thấy có chút thú vị.
Phượng Cửu lúc bấy giờ đang đưa cây kiếm Hợp Hư vào trong thánh đỉnh. Khi còn
chưa buông tay, nhìn đám mây đen càng ngày càng tiến lại gần, động tác
của nàng bất giác chậm lại. Chính vào lúc động tác chậm lại đó, liền
nghe thấy một tiếng cười vọng ra từ phía sau đám mây đen: “Quả nhiên là
một ngày hội lớn mà chư vị thần tiên cũng thưởng thức, tuy nhiên lễ Tàng binh này của Phượng Cửu điện hạ, theo ngu ý của Nhiếp mỗ, dường như vẫn còn thiếu một bước”. Mây mù tản ra, một trang nam tử khoác áo khoác
lông chồn, trên tay cầm một chiếc lò sưởi, được một đoàn thị tùng vây
quanh, mỉm cười lơ lửng trên đám mây.
Trên thế gian này chỉ có
duy nhất một người khiến Phượng Cửu thoạt nhìn đã không kìm được mà cảm
thấy nóng bức thay cho hắn ta, người đó chính là Huyền chi Ma quân Nhiếp Sơ Dần. Vào thời khắc này, xuất hiện tại nơi đây, nói những câu như
vậy, Nhiếp Sơ Dần rõ ràng là tới để quấy rối. Có điều tất cả các bậc
trưởng bối trong nhà họ Bạch đều có mặt tại đây, Phượng Cửu tự cảm thấy
một tiểu bối như nàng không cần phải cố ra mặt vào lúc này, bèn thu hộp
kiếm về ngước mắt lên nhìn phụ thân mình là Bạch Dịch.
Trong số
các bậc trưởng bối ở Thanh Khâu, phụ thân nàng được coi là người biết
nói năng khách sáo nhất, tiếng nhạc trên lễ đài dừng lại, khuôn mặt của
Bạch Dịch ôn hòa như gió xuân: “Bản quân thường nghe nói Ma tộc luôn
phóng khoáng, không câu nệ lễ giáo phép tắc, nhưng không ngờ Huyền chi
Ma quân lại rất trọng lễ nghĩa, hôm nay Thanh Khâu chúng ta cử hành một
nghi lễ cổ trên địa bàn của chúng ta, lại làm phiền Huyền chi Ma quân
đại giá tới nhắc nhở, thật là hổ thẹn, hổ thẹn”.
Ánh mắt của
Nhiếp Sơ Dần khẽ động, nụ cười vẫn hiện nguyên trên khuôn mặt, đáp:
“Thượng thần Bạch Dịch nói sai rồi, hai chữ ‘nhắc nhở’ quả thực Nhiếp mỗ không dám nhận, có điều Nhiếp mỗ đã từng được chứng kiến hai đại lễ
Tàng binh thời hồng hoang ở Thanh Khâu, trong lòng vô cùng ngưỡng mộ mà
thôi. Còn nhớ trước đây, sau trận thử kiếm đều có một trận đấu kiếm, cho phép những người cùng thế hệ có thể thách đấu với tân quân, việc này
rất khiến người ta mong đợi, nhưng tại sao hôm nay tới lượt điện hạ
Phượng Cửu làm lễ Tàng binh, sau khi thử kiếm lại tiến hành tàng kiếm
luôn như vậy chứ?”.
Nhiếp Sơ Dần rốt cuộc muốn gì, chư vị thần
tiên đến xem đại lễ người không hay biết vẫn không hay biết, người hiểu
rõ cũng đã hiểu rõ rồi.
Trước đây trong lễ Tàng binh ở Thanh Khâu quả thực có vòng đấu kiếm với tân quân, các tiên giả cùng thế hệ đều có thể thách đấu với tân quân, nếu người thách đấu bị thua, sẽ không có
vấn đề gì, nhưng nếu thắng được tân quân sẽ có được một lời hứa từ tân
quân. Tương truyền Bạch Chỉ Đế Quân lập ra hai vòng thử kiếm và đấu
kiếm, vòng đầu tiên là để khích lệ chí tiến thủ của tân quân sau khi kế
vị, vòng sau càng là vì khích lệ con cháu nhà họ Bạch từ nhỏ đã đứng đầu trong số chúng bạn cùng trang lứa. Bởi vì nếu không thể đứng đầu thì
phải đưa ra một lời hứa với cương vị tân quân, cái giá phải trả là quá
lớn, vì thế đám con cháu nhà họ Bạch mặc dù ai nấy đều được dạy dỗ theo
kiểu tự do phát triển mà trưởng thành, nhưng cuối cùng đều lần lượt
thành tài. Bốn người con trai của Bạch Dịch Đế Quân đều từng bị giày vò
như vậy, khi tới lượt cô con gái út Bạch Thiển, lại bởi vì Đế Hậu không
nỡ nhẫn tâm, thương nàng là phận nữ nhi, ngày nào cũng tới khóc lóc
trước mặt Bạch Chỉ Đế Quân, khóc liền suốt hai tháng trời liền gợi được
chút lòng trắc ẩn của Bạch Chỉ Đế Quân, ngài loại bỏ vòng đấu kiếm trong lễ Tàng binh, đồng thời mặc nhận rằng sau này nếu Thanh Khâu lại có nữ
quân, lễ Tàng binh của nữ quân sẽ được bỏ vòng đấu kiếm so với lễ Tàng
binh của nam tử.
Thượng thần Chiết Nhan hơi nghiêng người hỏi
Bạch Chỉ Đế Quân ngồi ngay bên cạnh: “Lễ Tàng binh là đại lễ truyền
thống của tân quân sau khi kế vị, nếu có thay đổi về mặt phép tắc, bắt
buộc phải sửa đổi lại trong lễ sách của Thanh Khâu mới có thể được coi
là chính thức trong bát hoang, không phải là ngài đã quên không sửa đấy
chứ?”.
Bạch Chỉ Đế Quân ôm đầu nói: “Thanh Khâu không coi trọng lễ tiết lắm, ngài cũng biết mà, việc này quả thực là ta đã quên mất”.
Thượng thần Chiết Nhan lại nói: “Vậy… người cùng thế hệ có thể thách đấu với
tân quân, ngài có phải cũng quên mất không hạn chế rằng chỉ có người
trong thần tộc của Thanh Khâu mới được thách đấu đúng không?”.
Bạch Chỉ Đế Quân hàm hồ đáp: “Mấy buổi đại lễ trước đều diễn ra từ thời
thượng cổ hồng hoang, lúc đó thế phong thuần phác, Ma tộc đâu có tâm kế
tới lợi dụng ta như vậy, ta sơ ý ở điểm này cũng không có gì lạ”.
Thượng thần Chiết Nhan thở dài một tiếng, nói: “Vì chữ quên và chữ sơ ý này
của ngài, chưa biết chừng hôm nay lại khiến Nhiếp Sơ Dần có được món lợi lớn, hơn nữa, về tình về lý thì ngài còn không nói gì được hắn ta”.
Bạch Chỉ Đế Quân cau mày nói: “Hắn ta lớn hơn Cửu nha đầu tới bảy,