
bỏ đi trước một lời nói không hợp ý mình đã lâu lắm rồi không thấy nữa. Nhìn dáng vẻ tức giận của Tề Thịnh khuất dần ngoài cửa điện, tự nhiên tôi thấy anh ta thế này đáng yêu hơn, cũng cảm thấy yên tâm hơn.
Theo thông lệ, Tề Thịnh một khi đã nổi giận thì vài ngày sau sẽ không ngó ngàng gì đến tôi. Không ngờ, lần này vừa ra về, ngay chiều hôm đó anh ta đã sai người mang đến cho tôi Tứ thư Ngũ kinh và vài chồng binh thư, sử thư, còn đặc biệt truyền khẩu dụ, để nuôi dạy con từ trong bụng mẹ, tôi nhất định phải đọc những cuốn sách đó, thuộc lòng được thì càng tốt.
Tôi lật Binh thư, nhìn lại Sử thư, A di đà Phật, người đến một câu chuyện trong này còn không đọc được như tôi mà anh ta lại bảo học thuộc! Tề Thịnh ơi là Tề Thịnh, anh muốn gián tiếp giết tôi phải không?
Tiểu nội thị mang sách đến nhìn tôi với vẻ mặt thông cảm, an ủi: “Nương nương không cần lo lắng. Hoàng thượng đưa ra những quyển sách này để nương nương dưỡng thai, nếu như không muốn xem, nương nương bảo người khác đọc cho nghe là được. Tất cả cũng chỉ vì muốn tốt cho tiểu điện hạ thôi ạ”.
Tôi gật đầu, tự mình đọc thì như trúng thuốc mê, để người khác đọc cho nghe thì sẽ như được thưởng thức nhạc khúc cho tâm hồn rồi.
Tiểu nội thị lại chỉ vào hai ma ma vẫn đang cúi đầu đứng ở bên cạnh, nói: “Hoàng thượng còn bảo nô tì đưa Ngô thị và Dương thị đến, nói họ đều là những người đã từng hầu hạ Hoàng hậu nương nương lúc sinh công chúa Vĩ Nguyên, nương nương dùng họ cũng quen thuộc hơn”.
Bị mấy chồng sách đè nén, tinh thần tôi vẫn chưa hồi phục lại nên lúc này nghe nói vậy chỉ gật đầu, nhìn hai người này cũng quen mặt, liền bảo Tả Ý đưa họ đi sắp xếp chỗ ăn ở.
Đêm hôm đó tôi đích thân đến cung Đại Minh tạ tội với Tề Thịnh: “Thần thiếp sai rồi”.
Tề Thịnh đưa mắt nhìn tôi, hỏi: “Thật biết sai rồi chứ?”.
Tôi thành thật gật đầu: “Thực sự biết sai rồi ạ”.
Tề Thịnh lại hỏi: “Sai ở đâu?”.
Với thái độ thành khẩn, tôi đáp: “Chỗ nào cũng sai”.
Tề Thịnh nghe xong khẽ hừ một tiếng lạnh lùng, lại cầm tấu chương lên, cúi đầu xem.
Tôi thấy vậy biết là không ổn, suy nghĩ một lát đổi giọng: “Thần thiếp sai ở chỗ bên cạnh có đại thụ mà không biết dựa vào, lại muốn tự mình vác mấy cây củi với viên đá lừa đi dựng lều che nắng”.
Tề Thịnh lúc này mới cười, bỏ tấu chương xuống, đứng dậy nói: “Đi nào”.
Tôi sững sờ: “Đi đâu ạ?”.
Tề Thịnh kéo tay tôi đi ra ngoài, đầu hơi cúi xuống nhìn tôi, trong mắt có chút khinh thường, trả lời đơn giản nhưng dứt khoát: “Đến cung của nàng!”.
Lúc đó tôi không hiểu, anh ta đến cung của tôi thì cứ việc đến, tại sao trong mắt lại hiện vẻ khinh thường? Nhưng đến khi Tề Thịnh quẳng một tập Sử thư ra trước mặt tôi thì tôi lập tức hiểu ra.
Tề Thịnh đã thay thường phục, dựa vào ghế mềm cạnh cửa sổ với vẻ lười biếng, nói giọng ông lớn: “Đọc một đoạn nghe nào”.
Nụ cười như có như không trên mặt đã tố cáo anh ta. Chẳng cần đoán cũng biết, anh ta đang nhớ đến tình cảnh tôi đọc quyển giới thiệu người nhà họ Trương trước đây.
Hẳn là anh ta lại muốn lôi tôi ra làm trò vui rồi.
Tôi lật tập Sử thư từ đầu đến cuối không có lấy một chữ cái dấu câu nào trước mặt, nói với vẻ rất lạnh lùng: “Thiếp cảm thấy đọc cái này không bằng đi học nữ công gia chánh. Biết đâu lại là con gái cũng nên”.
Tề Thịnh nhướng mày lên cười cười, rút quyển sách khỏi tay tôi, nói: “Cũng được, vậy mời Hoàng hậu thêu hà bao cho trẫm, nhân tiện tu thân dưỡng tính luôn”.
Nhìn anh ta cười tít đến nỗi chẳng thấy tổ quốc đâu, tôi mới chợt hiểu, thì ra cái bẫy đang ở đây chờ tôi.
Tôi lén thương lượng với Tả Ý, nhờ cô bí mật giúp tôi thêu hà bao cho Tề Thịnh.
Tả Ý lúc đầu từ chối vì thêu không đẹp, tôi nghe thấy thế rất vừa lòng, nói: Như vậy càng tốt, ngươi mà tìm một người có tay nghề tinh xảo đến thì dù ta có tin, Tề Thịnh cũng sẽ không tin đâu!
Tả Ý bị tôi dồn ép đến rối cả lên, gạt nước mắt nói: “Nương nương, Hoàng thượng nào thiếu gì hà bao, cái mà ngài muốn là tấm lòng của nương nương. Nếu Hoàng thượng biết hà bao là do nô tì thêu thế nào cũng sẽ trút giận lên nô tì, cái mạng nhỏ của nô tì khó mà giữ được!”.
Thế rồi Tả Ý khóc như mưa, trông thật đáng thương, tôi không muốn lại làm ra chuyện gì ảnh hưởng đến mạng người nên đành thôi.
Nhưng nếu bảo tôi cầm kim lên thêu hà bao thì thà để tôi mò từng chữ một trong mấy tập Sử thư kia còn hơn.
Áp lực tinh thần lớn, chuyện ăn uống của tôi lập tức có vấn đề, thỉnh thoảng lại buồn nôn, món ăn không hợp khẩu vị cũng có thể khiến tôi nôn ra cả mật xanh mật vàng.
Có một lần đúng lúc Tề Thịnh ở bên cạnh, thấy cảnh ấy sắc mặt lập tức thay đổi, vừa giúp tôi vỗ lưng, vừa vội vàng sai người mời thái y.
Tôi súc miệng, nhân cơ hội này giở vờ yếu ớt bám vào tay áo anh ta, hỏi: “Hoàng thượng, có thể đồng ý với thần thiếp một chuyện không?”.
Trước mặt mọi người, Tề Thịnh và tôi cùng phối hợp đóng vở “Đế Hậu tình sâu nghĩa nặng”, anh ta nắm tay tôi thật chặt, giận dữ nói: “Có chuyện gì thì cứ nói, những gì nàng muốn trẫm đã bao giờ không đồng ý sao?”.
Nghe lời này, mặc dù rất muốn lườm anh ta một cái nhưng tôi vẫn nhẫn nại, nói: “Cái h