
ôi liền đứng dậy đi ra ngoài.
Dương Dự cuống lên, vội vàng gọi tôi: “Hoàng hậu nương nương…”.
Tôi quay người lại nhìn hai người bọn họ, cười khẩy: “Các ngươi đã đều cảm thấy cách của ta tốt, còn muốn phí công gặp ta làm gì?”.
Dương Dự hơi chau mày nhưng không biết phải nói gì, cứ nhìn tôi rồi lại quay đầu nhìn Nhà xí huynh.
Nhà xí huynh ngồi đó im lặng nhìn tôi trong chốc lát, đột nhiên mở miệng: “Dương tướng quân, mời ngài lánh đi một lát, ta có vài lời muốn nói với Hoàng hậu nương nương”.
Dương Dự gật đầu, nhìn tôi một cái rồi mới đứng dậy sải bước ra ngoài.
Trong phòng chỉ còn lại hai người là tôi và Nhà xí huynh. Anh ta cúi đầu rót thêm trà vào cốc của mình, khẽ hỏi tôi: “Người còn nhớ khi ở Uyển Giang thần đã nói câu gì với người không?”.
Tôi sững ra, ở Uyển Giang anh ta đã nói rất nhiều, còn từng hứa với tôi “bình an khỏe mạnh, đủ ăn đủ mặc”, lúc này đột nhiên hỏi lại, tôi đột nhiên không hiểu anh ta muốn hỏi về câu nào.
Nhà xí huynh ngước mắt lên nhìn tôi, chậm rãi nói: “Thần đã hứa thì sẽ giữ lời”.
Lòng tôi hơi rung động, chợt nhớ đến cảnh tôi ngã xuống nước, anh ta đã đưa tay ôm lấy tôi, sau khi nhìn chăm chăm vào mắt tôi nói ra lời hứa gồm tám chữ kia liền thả mình xuống nước bảo vệ tôi.
Uyển Giang có Khúc Cửu Hiệp, chín khúc gập ghềnh, nước chảy xiết, chỗ nào cũng có đá ngầm, vô cùng nguy hiểm.
Đêm hôm đó, tôi và anh ta đã ôm nhau thật chặt, hai bên dùng cơ thể mình ngăn đá ngầm không va vào người kia, cùng nhau trôi dạt đến nửa đêm mới tìm được đường sống.
Tôi gật đầu, đáp: “Ta còn nhớ”.
Nhà xí huynh nhìn tôi, tiếp tục hỏi: “Vậy bây giờ thần hỏi người, người còn giữ đúng những lời đã nói trong cung Hưng Thánh không?”.
Tôi im lặng, mãi sau mới đáp: “Giữ đúng”.
“Vậy thì được rồi”, Nhà xí huynh thở phào nhẹ nhõm, trên mặt xuất hiện một nụ cười nhạt, nói: “Hồi này Hoàng thượng đối xử tốt với người như vậy, thần thực lòng sợ người bị mê muội”.
Bất giác tôi đưa tay xoa mũi theo bản năng, hơi ngượng ngùng: “Cũng phải, người ta đều nói sự dịu dàng mê hoặc anh hùng, thực ra sự dịu dàng không chỉ có tác dụng với mỗi anh hùng thôi”.
Nhà xí huynh mặt mày tươi tỉnh, mỉm cười.
Tôi quay lại ngồi xuống bên cạnh bàn, quyết định hỏi thẳng: “Các ngươi rốt cuộc có dự định gì? Muốn ta làm gì?”.
Nhà xí huynh vẻ mặt bình tĩnh, im lặng một lúc rồi mới nói: “Binh lực trong tay thần không đủ, lại mang danh nghĩa quân thần với Tề Thịnh, nếu đối đầu trực tiếp thì không được, việc chiêu binh cũng rất khó khăn. Sớm muộn gì cũng đánh Bắc Mạc, với tính cách của Tề Thịnh thì anh ta sẽ thân chinh xuất trận, thần đã sắp xếp ổn thỏa cảm tử quân để khiến anh ta mãi mãi ở lại Giang Bắc. Đến lúc đó Hoàng hậu hãy cầm lấy thánh chỉ, đưa tiểu hoàng đế lên ngôi”.
Tốc độ nói của anh ta hơi chậm nhưng ngữ khí lại rất thoải mái. Rõ ràng đang nói về âm mưa to lớn giết vua tạo phản, thế mà cứ như đang nói: “Hôm nay mọi người leo núi mệt rồi, tối nhớ phải ăn thêm mấy món nữa”; hoặc là: “Ngày mai có vẻ trời sẽ mưa, mọi người đừng quên mặc thêm quần áo” vậy.
Tôi chăm chú lắng nghe, nghiền ngẫm từng câu từng chữ như thể đang nếm thử một món ăn lạ, thế rồi trên tinh thần “ham học hỏi”, tôi đưa ra bốn câu hỏi, khái quát lại là bốn câu “ở đâu?”.
Thứ nhất, khi Tề Thịnh thân chinh đến Bắc Mạc thì anh ở đâu? Còn sống không? Trong tay có còn quyền lực không? Thứ hai, cảm tử quân mà anh nói tới ở đâu? Có thể đảm bảo một khi đã ra tay là giết được Tề Thịnh không? Thứ ba, thánh chỉ trong tay ta lúc đó ở đâu ra? Có hợp pháp không? Thứ tư, cũng là điểm quan trọng nhất trong kế hoạch này, đó chính là tiểu hoàng đế ở đâu?
Nhà xí huynh giải đáp từng câu một: “Chỉ cần thần tạm nhân nhượng vì lợi ích toàn cục, chuyện gì cũng thuận theo ý của Tề Thịnh thì anh ta sẽ không tìm được cớ hạ sát thần. Mà chỉ cần thần còn sống, trong tay nhất định sẽ có người dùng được. Chuyện cảm tử quân không cần người lo, nếu thần đã nói vậy thì tức là đã sắp xếp ổn thỏa. Còn về thánh chỉ, bất kể là lúc còn sống Hoàng thượng có để lại hay không, thì thần cũng sẽ làm cho Hoàng hậu có được một thánh chỉ mà không ai có thể soi mói được. Về điểm cuối cùng, có tiểu hoàng đế để lên ngôi hay không phải trông vào Hoàng hậu”.
Quanh đi quẩn lại hàng triệu vòng, rẽ vô số ngả, cuối cùng vẫn quay về vấn đề Tề Thịnh có thể sinh được con trai không. Mẹ kiếp! Áp lực đè lên vai tôi vẫn thật lớn!
Tôi suy nghĩ một lát rồi cười thăm dò: “Có tiểu hoàng đế hay không còn chưa biết, nếu đã có thể trừ bỏ Tề Thịnh, chi bằng ngươi lên làm hoàng đế?”.
Nhà xí huynh chầm chậm lắc đầu, ánh mắt rất sáng: “Danh bất chính, ngôn bất thuận, thiên hạ tắc loạn. Hơn nữa, lúc đó Dương Dự còn đang bị giam lỏng ở Vân Tây, thần vẫn còn cần Trương gia của người để ổn định tình hình Giang Bắc. Cứ cho là thần lấy Tam cô nương nhà họ Trương, thì một hoàng hậu cũng không có cách nào thỏa mãn được ham muốn của Trương gia, chỉ có cách đưa người lên vị trí thái hậu là ổn nhất”.
Ừm, đây đều là những lời nói thực.
Tôi gật đầu, cúi xuống im lặng một lát rồi chống tay xuống dưới bàn, đứng lên nói: “Được, cứ quy