
ớc, đẹp hơn.
Phượng Thư liền trêu Bảo Ngọc:
– Thế sao chú lại không mặc?
– Mặc áo ấy hơi sớm quá.
Phượng Thư chợt nhớ ra, biết mình lỡ lời. May mà Bảo Thoa cũng là bà con bên ngoại của họ nhà Vương, nhưng trước mặt bọn a hoàn cũng thấy khó coi. Tập Nhân đỡ lời:
– Mợ Hai không biết đấy, chứ cô mặc được, cậu ấy cũng không mặc.
Phượng Thư nói:
– Sao thế?
– Thưa mợ, cậu tôi, làm việc gì cũng thực là kỳ quặc. Năm nọ nhân ngày sinh nhật ông cậu Hai, cụ cho cậu tôi cái áo ấy, không ngờ hôm đó áo bị cháy mất một chỗ. Lúc ấy mẹ tôi ốm nặng, tôi không ở nhà. Hồi đó hãy còn mồ ma chị Tình Văn. Nghe nói chị ấy ốm, nhưng suốt đêm vẫn mạng lại cái chỗ cháy ấy, hôm sau cụ mới không nhận thấy. Năm ngoái, một hôm cậu ấy đi học, trời lạnh tôi bảo Bồi Dính đem cái áo ấy đi cho cậu ấy mặc, không ngờ cậu thấy nó, lại nhớ tới Tình Văn, cho nên nhất định không mặc nữa, bảo tôi cất cho cậu ấy suốt đời.
Phượng Thư không đợi nói xong, liền bảo:
– Cô nhắc đến Tình Văn, tôi cũng thương cho nó! Con bé ấy mặt mũi thân hình đều khá, chỉ có mồm miệng sắc sảo. Thế rồi không biết bà Hai nghe lời bịa đặt ở đâu làm cho nó phải chết. Lại còn một việc, hôm nọ tôi thấy con gái mụ Liễu ở nhà bếp, gọi con Năm đó. Con bé ấy giống hệt như Tình Văn. Trong bụng tôi định gọi nó vào đây. Tôi hỏi mẹ nó, mẹ nó rất mừng.Tôi nghĩ con Tiểu Hồng ở phòng chú Bảo sang hầu bên tôi, mà tôi chưa trả người cho chú ấy, nên định đem con Năm thế vào. Nhưng chị Bình lại nói: “Hôm nọ bà Hai đã dặn, những người giông giống Tình Văn, không sai đến ở nhà chú Bảo”, cho nên tôi phải gác lại. Bây giờ, chú Bảo đã có vợ, thì còn sợ gì nữa? Để tôi gọi nó vào đây. Không biết chú Bảo có bằng lòng không? Nếu chú ấy mà nhớ Tình Văn thì chỉ nhìn con Năm là được.
Bảo Ngọc đã định đi, nhưng nghe nói đến chuyện ấy lại ngẩn người ra. Tập Nhân nói:
– Sao lại không bằng lòng, đáng lẽ đã gọi nó đến rồi, chỉ vì lời nói của bà Hai đấy thôi.
Phượng Thư nói:
– Đã thế, thì mai tôi cho nó đến, bà Hai hỏi thì đã có tôi.
Bảo Ngọc nghe nói. mừng rỡ vô cùng, qua nhà Giả mẫu. Còn Bảo Thoa thì thay quần áo.
Phượng Thư thấy hai vợ chồng họ yêu quý quấn quít nhau như thế, nghĩ đến bộ dạng Giả Liễn vừa rồi, thật là đau lòng, không thể ngồi rán nữa, bèn đứng dậy cười nói với Bảo Thoa:
– Em với chị sang bên cụ đi.
Rồi chị ta đi ra. Hai người đến gặp Giả mẫu. Bảo Ngọc cũng đang trình với Giả mẫu việc đi qua nhà ông cậu.
Giả mẫu gật đầu nói:
– Cháu đi đi thôi, nhưng đừng uống nhiều rượu và về sớm một chút, người cháu mới khỏe đấy.
Bảo Ngọc vâng lời đi ra. Vừa đến giữa sân, lại quay lại ghé vào tai Bảo Thoa nói mấy câu, chẳng biết là nói gì. Bảo Thoa cười
– Phải rồi, cậu đi nhanh lên thôi.
Rồi chị ta giục Bảo Ngọc đi. Giả mẫu cùng Phượng Thư và Bảo Thoa vừa nói được mấy câu, thì thấy Thu Văn vào nói
– Cậu Hai sai Bồi Dính về mời mợ Hai.
Bảo Thoa nói:
– Cậu ấy lại quên cái gì mà bảo nó trở về?
Thu Văn nói:
– Tôi bảo a hoàn nhỏ đi hỏi Bồi Dính, thì nó nói là cậu Hai quên không dặn trước. Cậu ấy bảo tôi về thưa với mợ Hai rằng: nếu mợ đi thì đi mau lên, nếu không đi thì đừng có đứng trước gió đấy.
Giả mẫu, Phượng Thư và bọn a hoàn, bà già đứng đấy đều cười ồ.
Bảo Thoa đỏ mặt, “xì” Thu Văn một cái và nói:
– Khéo cái con vớ vẩn này! Thế mà mày cũng hốt hoảng chạy về nói à?
Thu Văn cũng cười, rồi về bảo a hoàn nhỏ đi ra mắng Bồi Dính, Bồi Dính vừa đi vừa ngoảnh lại nói:
– Cậu Hai vội vàng bắt tôi xuống ngựa cho được và bảo về nói, nếu tôi không nói, sau này cậu hỏi ra, thế nào cũng mắng tôi. Giờ tôi nói cũng bị mắng!
A Hoàn nhỏ cười, chạy về nói lại. Giả mẫu nói với Bảo Thoa
– Cháu đi đi thôi, đừng để nó nhớ đấy.
Bảo Thoa nghe nói, không thể đứng lại được nữa, lại bị Phượng Thư trêu cho một mẻ, thấy khó coi quá, đành phải ra đi.
Lúc đó vừa thấy ni cô ở chùa Tán Hoa là Đại Liễu đến. Cô ta hỏi thăm sức khoẻ Giả mẫu, chào Phượng Thư rồi ngồi xuống uống trà. Giả mẫu hỏi:
– Sao lâu nay ni cô không đến?
– Vì mấy hôm nay, ở miếu làm chay, có mấy bà quan thường nghỉ lại đó, nên không được rảnh. Hôm nay có ý đến trình với cụ: ngày mai có một nhà làm chay, không biết cụ có thích hay không? Nếu thích thì xin mời cụ tới vãn cảnh chùa chơi.
– Tại sao phải làm chay?
– Tháng trước đây, ở phủ cụ Vương không được yên ổn, thấy ma thấy quỷ gì ấy. Ban đêm bà lớn nằm mơ thấy quan lớn về. Vì thế, hôm qua đến miếu nói với chúng con, định hứa nguyện đốt hương trước đức phật “Tán Hoa” làm một đàn chay thủy lục bốn mươi chín ngày, để xin ngài phù hộ cho người nhà yên ổn. Người chết lên trời, người sống được phúc. Do đó con không được rảnh dể tới hỏi thăm cụ.
Phượng Thư ngày thường rất ghét những việc ấy. Nhưng từ hôm nọ thấy ma, trong lòng cứ ngờ vức. Giờ nghe Đại Liễu nói thế, bỗng tâm tính ngày thường thay đổi đi một nửa, đã có vài phần tin, liền hỏi Đại Liễu:
– Phật “Tán Hoa” là ai? Tại sao ngài lại đuổi được tà, trừ được quỷ?
Đại Liễu nghe hỏi, biết rằng chị ta đã có ý tin, liền nói:
– Mợ muốn hỏi đức Phật ấy thì tôi xin nói cho mợ biết. Đức Phật “Tán Hoa” nguồn gốc rất sâu, đạo hạnh rất lạ, s