Polaroid
Hồng Lâu Mộng

Hồng Lâu Mộng

Tác giả: Đang cập nhật

Thể loại: Truyện ngôn tình

Lượt xem: 3211390

Bình chọn: 7.00/10/1139 lượt.

cậu ấy dán ra khắp nơi để mọi người đều gọi, như thế mới dễ nuôi. Ngay đứa gánh nước, đứa hót phân, đứa ăn mày cũng đều gọi được cái tên cậu ấy, huống chi là chúng tôi? Hôm nọ mợ Lâm chỉ gọi một tiếng "cậu" thôi, cụ cũng mắng đấy. Đó là một việc. Hai nữa là, chúng tôi ở đây thường phải hầu chuyện cụ và bà Hai, nếu không gọi thẳng tên ra, chẳng nhẽ lại gọi là "cậu" à? Ngày nào không gọi mấy trăm lượt hai chữ "Bảo Ngọc"? Thế mà chị lại còn bới chuyện ấy ra! Ngày nào chị rỗi, đến chỗ cụ và bà Hai mà nghe chúng tôi gọi tên cái cậu ấy ra thì sẽ rõ. Vì chị không được hầu gần cụ và bà Hai, quanh năm chỉ đứng ở ngoài cửa thứ ba, chẳng trách không biết được khuôn phép của chúng tôi ở trong này! Đây không phải là chỗ chị đứng đâu! Nếu đứng một lúc nữa, chúng tôi không cần phải nói gì, cũng sẽ có người đến hỏi chị. Chị hãy mang nó về đi, muốn phân trần điều gì, cứ đến nói với mợ Lâm, nhờ mợ ấy nói với cậu Bảo. Trong nhà này hàng nghìn người, người nọ chạy đến, người kia chạy đến, chúng tôi nhận mặt, hỏi tên sao xiết!

Tình Văn nói xong, liền sai a hoàn nhỏ lấy vải lau nền nhà.

Người đàn bà kia nghe nói, không biết trả lời thế nào, cũng không dám đứng lâu, ức quá, mang Trụy Nhi về. Già Tống liền nói:

- Chả trách chị không biết khuôn phép gì là phải. Con gái chị Ở nhà này mấy lâu, lúc ra về, cũng nên cúi đầu chào các cô ấy. Các cô ấy không cần đồ lễ gì khác, chỉ cúi đầu chào là đủ rồi. Bảo đi là cắm cổ đi ngay?

Trụy Nhi nghe nói, đành phải quay lại cúi đầu chào Xạ Nguyệt và Tình Văn, rồi đi chào bọn Thu Vân, nhưng không ai thèm nhìn. Người đàn bà ấy hậm hực thở dài, không dám nói, đành nuốt giận ra về.

Tình Văn vừa bị nhiễm gió, vừa nổi giận, nên càng thấy người khó chịu. Vật vã mãi đến lúc lên đèn mới nằm yên. Bảo Ngọc vừa về đến cửa đã thở dài dậm chân. Xạ Nguyệt vội hỏi đầu đuôi, Bảo Ngọc nói:

- Hôm nay cụ vui, cho tôi cái áo khoác này, ngờ đâu không cẩn thận, để vạt sau cháy một miếng, may trời đã tối, cụ và bà không để ý đến.

Vừa nói vừa cởi áo ra, Xạ Nguyệt xem thì có một chỗ cháy bằng ngón tay, liền nói:

- Chắc là lửa ở lồng ấp bắn vào. Nhưng không gì đâu, khẽ mang ra cho thợ may nào khéo mạng lại là được.

Xạ Nguyệt liền gói áo vào trong bọc, gọi một bà già đến mang đi thuê mạng, và bảo:

- Làm thế nào đến sáng mai phải xong, nhất thiết không được nói cho cụ và bà biết!

Bà già đi một lúc lại mang áo về, nói:

- Không những thợ mạng, mà đến thợ may giỏi, thợ thêu, thợ nữ công, tôi đều đi hỏi hết, họ không biết là thứ hàng gì nên không dám nhận.

Xạ Nguyệt nói:

- Thế thì làm thế nào bây giờ? Ngày mai không mặc cũng được.

Bảo Ngọc nói:

- Cụ và bà nói ngày mai là ngày chính tiệc, phải mặc áo này. Mới hôm đầu đã bị cháy rồi, thật là chán quá!

Tình Văn nghe xong, không nhịn được, trở mình lại nói:

- Mang lại đây tôi xem nào! Số không được mặc cái áo ấy thì thôi! Bây giờ lại còn làm rối lên!

Bảo Ngọc cười:

- Nói thế cũng đúng đấy.

Rồi đưa áo cho Tình Văn, lại mang đèn đến để nhìn kỹ một lượt. Tình Văn nói:

- Đó là chỉ kim tuyến bằng lông công đấy. Nay cũng lấy chỉ làm tuyến bằng lông công mạng từng hàng cho khít nhau thì cũng có thể nhuế nhóa được.

Xạ Nguyệt nói:

- Có sẵn chỉ lông công đấy, nhưng ở đây ngoài chị ra còn ai biết mạng nữa.

Tình Văn nói:

- Biết nói sao đây, tôi cũng đành liều mà làm vậy.

Bảo Ngọc nói:

- Thế sao được? Chị vừa mới đỡ mệt một tí, đã làm việc thế nào được?

Tình Văn nói:

- Tôi biết thân tôi, cậu không cần phải để ý quá.

Tình Văn đứng dậy quấn tóc, khoác áo, thấy người loạng choạng mắt hoa đầu váng, không thể gượng được. Nhưng nếu không làm, sợ Bảo Ngọc sốt ruột đành phải cắn răng ngồi làm, và bảo Xạ Nguyệt xâu chỉ hộ. Tình Văn lấy một sợi ướm thử rồi cười nói:

- Tuy không giống lắm, nhưng đính vào cũng không khác mấy.

Bảo Ngọc nói:

- Thế cũng đẹp lắm rồi, tìm đâu cho được thợ may Nga La Tư bây giờ?

Tình Văn liền tháo vải bọc ở trong ra, lấy cái vòng tre tròn bằng miệng chén, đính vào mặt trái, lấy dao xén chung quanh chỗ rách cho phẳng, rồi lấy kim khâu hai đường, chia ra ngang dọc. Cứ mạng hai mũi, lại phải ngắm mỗi phía một lượt. Khốn nỗi đầu nhức, mắt hoa, người mệt mỏi, tinh thần bải hoải, mới mạng được dăm mũi, Tình Văn đã phải gục xuống gối nghỉ một lúc. Bảo Ngọc ngồi bên cạnh, lúc hỏi có muốn uống nước không? Lúc bảo hãy nghỉ một tí. Lúc lấy áo da khoác lên lưng hoặc lấy gối cho cô ta dựa, làm Tình Văn bực mình phải nói:

- Ông trẻ ơi, ông cứ đi ngủ đi, thức đến nửa đêm, ngày mai mắt hõm lại, thì làm thế nào.

Bảo Ngọc thấy Tình Văn nói vậy, đành phải vội vàng nằm xuống, nhưng không ngủ được. Một lúc nghe đồng hồ điểm bốn tiếng, thì vừa mạng xong áo. Tình Văn lấy bàn chải nhỏ khẽ chải cho những lông tơ còn lù xù. Xạ Nguyệt nói:

- Tốt lắm rồi, không nhìn kỹ thì chẳng biết được đâu.

Bảo Ngọc vội cầm lấy xem, cười nói:

- Thật giống như hệt.

Tình Văn ho mấy lần, mãi mới mạng xong, rồi nói:

- Mạng xong rồi đấy, nhưng vẫn không giống. Thôi tôi cũng chẳng biết làm thế nào được nữa!

Rồi "úi chà" một tiếng, nằm vật xuống ngủ.

1 Các cô gái đẹp họp trong buồng