
tám tháng ba đến hôm qua mới về.
– Thảo nào hôm mồng ba mồng tư vừa rồi tôi đến dự tiệc nhà anh Thẩm không thấy anh. Tôi định hỏi, nhưng lại quên mất. Anh đi một mình hay cả bác cũng đi?
– Vì cha tôi đi, tôi không thể từ chối được, nên phải cùng đi Chứ tôi có phải hóa rồ đâu. Ở nhà mấy anh em cùng nhau uống rượu nghe hát, chẳng vui hơn sao, tội gì mà lại chuốc lấy sự bực tức vất vả vào người. Chuyến đi này trong sự không may lại gặp sự rất may.
Bọn Tiết Bàn thấy hắn uống nước rồi, đều nói: “Xin mời vào tiệc, có chuyện gì sẽ nói sau”. Tử Anh nghe xong đứng dậy nói:
– Cứ lẽ ra, tôi phải ở lại hầu rượu các anh là đúng, nhưng hiện giờ có việc rất cần, tôi phải đi, xong đó quay về trình cha tôi ngay, thực không thể ở lại được.
Tiết Bàn, Bảo Ngọc khi nào chịu nghe, cố sống cố chết giữ lại không cho đi. Tử Anh cười nói:
– Lạ quá, chúng ta sống với nhau trong bấy nhiêu năm, khi nào lại có cái đối xử với nhau như thế? Thực tôi không thể theo lời được. Nếu nhất định giữ tôi, xin mang cốc lớn ra đây tôi uống hết hai cốc là được.
Mọi người nghe nói, đành thôi không nài nữa. Tiết Bàn cầm chai, Bảo Ngọc cầm cốc, rót đầy hai cốc tọ Tử Anh đứng dậy uống một hơi hết. Bảo Ngọc nói:
– Anh hãy nói hết cái chuyện “không may lại gặp may” cho chúng tôi nghe đã, rồi mới được đi.
Tử Anh cười nói:
– Bây giờ không thể nào nói hết được. Cũng vì việc ấy, tôi muốn sửa một bữa tiệc, mời các anh đến chơi nói chuyện và còn có việc nhờ đến các anh nữa.
Nói xong, chắp tay chào rồi đi.
Tiết Bàn nói:
– Càng nói càng làm cho người ta sốt ruột lên, không thể nhịn được! Bao giờ anh mới nói rõ cho người ta đỡ mong.
Tử Anh nói:
– Lâu thì mười ngày, chóng thì tám ngày nữa.
Vừa nói vừa chạy ra ngoài cửa, cưỡi ngựa đi.
Mọi người trở về, theo thứ tự ngồi lại uống rượn, một lúc mới tan tiệc.
Bảo Ngọc về trong vườn, Tập Nhân ở nhà đương băn khoăn không biết Bảo Ngọc sang hầu Giả Chính, lành dữ ra sao. Bỗng thấy Bảo Ngọc về, say lướt khướt, hỏi duyên cớ, Bảo Ngọc kể hết đầu đuôi. Tập Nhân nói:
– Người ta đương sốt lòng sốt ruột chờ đợi. Cậu cứ mải vui, chẳng nghĩ gì cả. Cậu cũng nên sai người về báo tin mới phải!
Bảo Ngọc nói:
– Tôi vẫn định cho người về báo tin, nhưng gặp anh Phùng Tử Anh đến, nên trót quên mất.
Nói xong thấy Bảo Thoa chạy đến cười nói:
– Anh ăn trước những thứ gì ngon lạ Ở bên nhà tôi đấy?
Bảo Ngọc cười nới:
– Nhà chị có thứ gì ngon lạ, tất nhiên là để dành cho chúng tôi trước.
Bảo Thoa lắc đầu cười nói:
– Hôm qua anh tôi mời riêng tôi, tôi không ăn, bảo để dành lại biếu người khác. Tôi tự nghĩ mình kém phúc, không đáng ăn những thứ ấy.
Nói xong a hoàn pha nước uống, rồi nói chuyện phiếm.
Đại Ngọc nghe nói Giả Chính gọi Bảo Ngọc, suốt ngày không thấy về, trong bụng cũng áy náy lo thay cho cậu tạ Sau bữa cơm chiều, nghe nói Bảo Ngọc đã về, Đại Ngọc định đến hỏi xem có xảy việc gì không? Đang lững thững đi, thấy Bảo Thoa cũng đi vào vườn. Đại Ngọc liền chạy theo sau. Vừa đến cầu Thấm Phương, thấy các giống thủy cầm 8 đương tắm trong ao, không nhận ra được giống gì, toàn những màu sắc lóng lánh, trông đẹp lạ thường. Đại Ngọc đứng dừng lại xem một lúc rồi đi đến viện Di Hồng, thì cửa đã đóng, Đại Ngọc liền gõ cửa.
Không ngờ Tình Văn và Bích Ngân đương cãi nhau. Thấy Bảo Thoa đến, Tình Văn liền giận lây cả cô ta, lủng bủng nói ở trong nhà: “Lúc bận cũng như lúc rỗi, cứ đến ngồi lì ra đấy, làm cho người ta mãi nửa đêm gà gáy cũng chưa được đi ngủ”. Chợt lại nghe có tiếng người gõ cửa, Tình Văn lại càng cáu lên, chẳng hỏi là ai, nói ngay:
– Ngủ cả rồi, ngày mai hãy đến.
Đại Ngọc xưa nay vẫn biết thói quen của đám a hoàn hay mải chơi, có lẽ chúng nó không nhận được tiếng của mình, cho là đứa a hoàn nào gọi, nên không mở cửa. Vì thế lại gọi to:
– Tôi đây! Sao không mở cửa ngay?
Tình Văn vẫn không nghe rõ, lại gắt lên:
– Chị là ai cũng mặc kệ, cậu Bảo đã dặn tôi nhất thiết không để người nào vào!
Đại Ngọc nghe nói, đứng ở ngoài cửa tức lắm, định quát to nhưng lại nén giận, tự nghĩ: “Tuy nhà cậu cũng như nhà mình, nhưng mình vẫn là khách. Bây giờ bố mẹ chết rồi, không có chỗ nương tựa, mình phải đến ở nhờ đây, có giận cũng vô ích”. Đại Ngọc nghĩ vậy, nước mắt chảy xuống ròng ròng, về không tiện, đứng cũng không tiện. Đương lúc phân vân, nghe ở trong nhà có tiếng cười nói, lắng tai mãi thì ra tiếng Bảo Ngọc và Bảo Thoa. Đại Ngọc càng giận, nghĩ quanh nghĩ quẩn, sực nhớ tới việc sáng hôm nay: “Có lẽ vì anh ấy giận ta, cho là ta đi mách anh ấy. Nhưng khi nào ta lại mách! Anh ấy không chịu nghe ngóng kỹ, lại giận ta đến nỗi này à! Hôm nay không cho ta vào, liệu ngày mai không gặp mặt được sao?” Càng nghĩ càng đau xót, thôi thì mặc kệ rêu xanh sương lạnh, đường hoa gió lùa, một mình thơ thẩn, đứng dưới bóng cây bên góc tường, rầu rầu thổn thức, nức nở nghẹn ngào!
Đại Ngọc vẫn sẵn dáng điệu tuyệt vời, nhan sắc hiếm có. Ngờ đâu trận khóc này làm chim chóc đương đậu trên cành liễu, khóm hoa gần đấy, cũng xào xạc bay xa, không nỡ nghe những tiếng khóc than ai oán. Thực là:
Hoa choáng hồn lên buồn tẻ bấy;
Chim bừng mắ