
. Anh xem những tiểu thuyết nhảm nhí, rồi đem tôi ra làm trò cười. Tôi là một cái đồ chơi giải buồn cho các người à!
Vừa khóc vừa nhảy xuống giường, chực chạy ra ngoài.
Bảo Ngọc sợ quá, vội cản lại nói:
– Em ơi, anh lỡ lời đáng chết, xin em đừng mách ai. Nếu anh còn dám nói câu ấy nữa, mồm sẽ lên đinh râu và sẽ thối lưỡi.
Giữa lúc ấy, Tập Nhân chạy đến nói:
– Ông gọi cậu đấy, về mặc quần áo ngay đi.
Bảo Ngọc nghe nói, như sét đánh bên tai, không nghĩ gì đến việc khác nữa, cắm đầu cắm cổ chạy về thay quần áo.
Ra khỏi vườn, thấy Bồi Dính chực ở cửa ngoài, Bảo Ngọc hỏi:
– Ông gọi tao có việc gì, mày có biết không?
Bồi Dính nói:
– Cậu đi mau lên, đến đó sẽ biết.
Vừa nói vừa giục Bảo Ngọc.
Đi qua buồng khách, trong bụng Bảo Ngọc vẫn nghi ngờ, bỗng nghe thấy bên góc tường có tiếng cười khanh khách, ngoảnh lại thấy Tiết Bàn vỗ tay nhảy xổ lại cười nói:
– Nếu không nói là dượng gọi thì khi nào anh lại chịu ra ngay.
Bồi Dính cũng cười, rồi quì xuống. Bảo Ngọc đứng ngẩn người một lúc, mới biết là Tiết Bàn đánh lừa mình. Tiết Bàn vội vái chào nhận lỗi và nói:
– Xin đừng quở phạt thằng bé này. Việc này là do tôi nhờ nó đi đấy.
Bảo Ngọc đành chịu, không biết làm thế nào, chỉ cười hỏi:
– Anh đánh lừa tôi cũng được, nhưng việc gì phải mượn tiếng cha tôi? Tôi sẽ đến mách dì, để người xử cho việc này, liệu có nên không?
Tiết Bàn vội nói:
– Vì tôi muốn anh đến mau, nên quên hẳn những câu kiêng kỵ, sau này anh muốn đánh lừa tôi, cũng lại mượn tiếng cha tôi, thế là xong chuyện.
– Ối chà, nói câu ấy lại càng đáng chết nữa!
Rồi Bảo Ngọc quay sang Bồi Dính bảo:
– Giống phản chủ này còn quì mãi làm gì đây?
Bồi Dính vội đứng dậy lạy tạ.
Tiết Bàn nói;
– Nếu không phải việc cần, tôi không dám làm phiền anh như thế. Chỉ vì ngày mai, mồng ba tháng năm, là ngày sinh của tôi, không biết lão Trình Nhật Hưng ở hàng bán đồ cổ tìm đâu được những ngó sen tươi vừa to vừa dài, lại trắng muốt; những quả dưa hấu rất to; một con cá tươi rất dài và con lợn Xiêm đã được xông hương cây bách là của nước Xiêm La đem đến cống 6. Anh xem, bốn thứ này đã dễ tìm đâu cho rả Cá và lợn tuy là món quí, chỉ khó tìm thôi, còn ngó sen và dưa hấu, không biết họ làm thế nào mà có được! Trước hết tôi đem dâng mẹ tôi, rồi cho đem biếu bà và dì, bác. Còn để lại một ít, nếu tôi ăn một mình sợ tổn phúc. Nghĩ đi nghĩ lại, ngoài tôi ra chỉ có anh là đáng ăn thôi. Vì thế, tôi đặc biệt đến mời anh. May sao lại có một phường hát mới đến, chúng ta cùng chơi vui một hôm, anh nghĩ thế nào?
Hai người vừa nói vừa đi vào thư phòng, thấy bọn Thiềm Quang, Trình Nhật Hưng, Hồ Tư Lai, Đan Sính Nhân và phường hát đều đã ở đấy rồi. Thấy Bảo Ngọc vào, mọi người đứng dậy chào hỏi một lượt. Uống nước trà xong, Tiết Bàn sai bày tiệc rượu. Bọn hầu trai vội vàng đi bày tiệc rồi mọi người vào ngồi.
Bảo Ngọc trông thấy dưa hấu và ngó sen đều là của lạ, cười nói với Tiết Bàn:
– Tôi chưa có gì mừng anh mà lại đến quấy thế à?
– Thế ngày mai anh định mang thứ gì đến mừng?
– Tôi chẳng mang cái gì cả. Nói đến tiền bạc hay đồ ăn đồ mặc, thì toàn không phải là của tôi. Chỉ có một tờ giấy viết chữ hay là một bức vẽ mới đúng là của tôi đáng đem đến mừng.
– Anh nói đến bức vẽ, tôi lại nhớ tới hôm nọ Ở một nhà kia, có bức vẽ xuân cung rất đẹp, trên có viết nhiều chữ, nhưng tôi không xem kỹ, chỉ thấy chỗ lạc khoản hình như chữ canh hoàng gì ấy, trông đẹp quá chừng.
Bảo Ngọc nghe xong, trong bụng ngờ ngợ, liền nói:
– Những bức vẽ xưa nay tôi đều đã được xem qua, chẳng có nhà danh họa nào tên là Canh Hoàng cả.
Nghĩ một lúc, phì cười lên, sai người lấy bút viết hai chữ vào lòng bàn tay rồi hỏi Tiết Bàn:
– Anh chắc hai chữ ấy là canh hoàng đấy chứ?
– Sao lại không chắc?
Bảo Ngọc xòe bàn tay ra cho hắn xem và nói:
– Có phải hai chữ này không? Thực ra hai chữ này không khác chữ canh hoàng là mấy.
Mọi người xem thì ra hai chữ Đường Dần 7, đều cười nói:
– Chắc là hai chữ này rồi, lúc đó cậu Tiết có lẽ mắt hoa nên không thấy rõ, cũng chưa biết chừng.
Tiết Bàn nghĩ thấy cụt hứng, cười nói:
– Nào ai biết nó là “đường” hay là “kẹo”.
Đương nói chuyện thì đứa hầu nhỏ vào trình: “Cậu Phùng lại chơi”. Bảo Ngọc biết ngay là Phùng Tử Anh, con quan Thần Vũ tướng quân Phùng Đường. Bọn Tiết Bàn bảo mời vào. Nói chưa dứt lời, đã thấy Phùng Tử Anh tươi cười bước vào. Mọi người vội đứng dậy mời ngồi. Phùng Tử Anh nói:
– Tốt lắm! Chả cần phải đi đâu nữa, cứ ở nhà vui thú với nhau là được.
Bảo Ngọc, Tiết Bàn đều cười, nói:
– Lâu lắm không gặp được anh. Bác nhà có được mạnh khỏe không?
Tử Anh đáp:
– Cha tôi vẫn khỏe mạnh, chỉ có mẹ tôi gần đây bị phong hàn, có nhọc vài hôm.
Tiết Bàn thấy trên mặt Tử Anh có vết thương hơi tím, cười hỏi:
– Lại đánh nhau với ai mà có vết thương trên mặt?
Phùng Tử Anh cười nói:
– Từ khi đánh con ông đô úy họ Cừu bị thương, tôi đã hối hận và nhớ mãi việc ấy, không dám nóng nẩy, thì còn đánh nhau với ai? Vết thương ở trên mặt là tại hôm nọ tôi đi săn ở núi Thiết Võng, bị con chim ưng đập cánh trúng đấy.
Bảo Ngọc hỏi:
– Bao giờ thế?
– Đi từ hôm hai mươi