
cửa điện thì dừng lại, tên tùy tùng bên cạnh cười giải
thích: “Vương tử phi vừa khỏi bệnh, vốn dĩ nên cho xe thẳng
tiến thẳng vào trong điện để vương tử phi đỡ mệt, nhưng đây là
quy củ, bề tôi đến cửa điện phải xuống xe đi bộ, hiện giờ
Tuấn Đế chỉ ban cho mình Nhị điện hạ được ngồi xe vào tấn
kiến thôi.”
Đám người hầu hạ trong cung luôn là những kẻ giỏi xét mặt đón ý, mềm nắn rắn buông nhất trên đời, A Hành
lẽ nào không hiểu ý bọn chúng. Xem ra Tuấn Đế rất căm ghét
Thiếu Hạo, đến nỗi ghét lây sang cả con dâu. Nàng bèn cười
nhạt bước xuống xe: “Bao năm nay ta không đến thỉnh an mẫu hậu
được, quả thật chưa tròn đạo hiếu, xuống xe đi bộ vào là phải lẽ thôi.”
Cả tòa cung điện rộng mênh mông, choán gần
hết ngọn núi, A Hành lại muốn chóng xong nên rảo bước đi thật
mau. Đến vườn Y Thanh, vẫn chưa thấy Tuấn Hậu ở đó, chỉ nghe
đám thị nữ bẩm: “Tuấn Hậu đang rửa mặt chải đầu, xin vương tử phi đợi một lát.”
Cao Tân nằm về phía Đông Nam, khí hậu ôn hòa, mùa đông ấm áp chẳng kém tiết xuân ở những nước
phương Bắc, còn mùa hạ lại nóng nực oi nồng. Tuy nhiên Ngũ
Thần sơn nằm giữa biển, gió biển thổi vào xua tan phần nào
cái nóng nên không tới nỗi nóng nực lắm, thêm vào đó, cung
điện ở đây cũng được thiết kế theo phong cách kiến trúc Cao Tân để tránh nóng.
Phỏng theo lối thiết kế đó, khắp nơi
trong vườn Y Thanh đều xum xuê cây cối, nhan nhản ao hồ, hoặc
thác nước, hoặc khe suối, quanh co uốn lượn, lăn tăn dập dềnh,
nhỏ thì không tới một thước, lớn thì đủ để chèo thuyền.
A Hành đợi đến phát chán, trong thấy trong vườn không có ai, bèn men theo dòng suối lững thững đi vào.
Càng đi sâu vào trong, phong cảnh càng thêm đẹp, hai bên là suối chảy róc rách, thế núi uốn lượn, trúc xanh tùng biếc, cây cối um
tùm, dăm ba cánh hạc tiên lội dưới suối kiếm ăn, dáng dấp tiêu
sái, nhìn thấy A Hành cũng chẳng hề hoảng hốt.
Sâu
trong bờ nước là một rừng trúc xanh biêng biếc, trùng trùng
điệp điệp, thấp thoáng bóng nam tử bạch y nửa nằm nửa ngồi
tựa lưng vào tảng đá say sưa ngủ, cuốn sách lụa phủ trên mặt.
Dưới con suối cách đó không xa, hai cặp uyên ương đang bơi qua bơi
lại giỡn nước, quấn quýt sánh đôi, nhởn nhơ thoải mái.
A Hành toan trở gót quay lui nhưng chẳng kịp, nam tử kia đã tỉnh
giấc nhỏm người dậy, cuốn sách trên mặt rơi xuống để lộ dung
mạo thanh nhã, khí độ xuất trần, dưới bóng trúc mờ mờ, quang
âm dào dạt, chẳng khác nào ẩn giả trong núi.
Nhận ra Thiếu Hạo, A Hành tươi cười tiến lại.
Nam tử kia lơ mơ hé mắt nhìn, vẻ mặt bực bội ra mặt vì mất giấc mộng đẹp. Nhìn nghiêng người này giống Thiếu Hạo như đúc,
nhưng A Hành lập tức nhận ra ông ta không phải Thiếu Hạo! Thiếu
Hạo chưa bao giờ giận ra mặt, nhất định cũng chẳng bao giờ bực bội vì những chuyện nhỏ thế này.
Nghe tiếng bước chân, nam tử kia liền quay lại, tuy dung mạo người đó rất giống
Thiếu Hạo nhưng khí chất đôi bên khác hẳn nhau, nam tử này chỉ
có vẻ dịu dàng tình tứ như nước, thiếu nét cứng rắn trầm ổn tựa như núi của Thiếu Hạo.
A Hành vội quỳ xuống thỉnh an, “Phụ vương.”
Tuấn Đế nhìn nàng, trầm ngâm một thoáng mới nhận ra, “Sao con lại đến đây?”
A Hành không biết Tuấn Hậu triệu mình vào cung có việc gì nên
chẳng dám nói bừa: “Nhi thần tiến cung bái kiến mẫu hậu nhưng
người đang bận việc, thấy phong cảnh bên suối đẹp quá, nhi thần bèn tản bộ ngắm cảnh, nào ngờ lại kinh động phụ vương, xin
phụ vương xá tội.”
Tuấn Đế hỏi: “Cảnh đẹp ư? Đẹp thế
nào? Nếu con trả lời được thì miễn tội, bằng không ta cũng
trị luôn Thiếu Hạo tội bất kính, cùng với con.”
A Hành
cười đáp: “Tâu phụ vương, vườn này tên Y Thanh, chỉ riêng cái tên đã lột tả hết vẻ đẹp của cảnh sắc nơi đây rồi. Quả là ‘gió nhẹ mưa phùn nào rát mặt, ấm mềm vạt áo lúc oi nồng.’”
Tuấn Đế điềm đạm nói: “Tên vườn này do ta đặt, con đã thích nơi
này, ta sẽ dẫn con đi dạo một vòng. Bốn chữ ‘gió nhẹ mưa
phùn’ thoạt nghe rất đơn giản nhưng người thật sự hiểu được
chẳng có mấy ai, con người ta có khi nào chịu bình thản tĩnh
tâm mà thưởng thức cảnh sắc đâu.”
A Hành theo Tuấn Đế
cùng tản bộ ngắm cảnh, vừa đi Tuấn Đế vừa chỉ cảnh trí,
giảng giải cho nàng nghe hết lai lịch từng hòn đá khóm hoa nơi
đây. Từ nhỏ, nàng lớn lên cùng vị Tứ ca thông hiểu thơ từ ca
múa, chim cá lá hoa, nên mấy thú chơi đó nàng cũng chẳng kém
ai, về sau lại học được Thần Nông Bản Thảo Kinh, cực kỳ tinh
thông các loại hoa thơm cỏ lạ, đôi bê