
quân tha hương, xúc cảnh hứng hoài, bất giác trông ngắm giang hồ mà tầm tã đôi hàng lụy nhỏ. Chàng liền nghĩ một bài tức cảnh “Tây giang nguyệt” rồi gọi tửu bảo mượn bút nghiên để viết.
Chợt đâu đứng lên nom hai bên vách phấn, thấy có nhiều văn thơ của người xưa đề vịnh, chàng liền nghĩ thầm trong bụng rằng: “Tiện đây bất nhược ta viết ngay lên vách phấn, để làm di tích ở đất Giang Châu, sau này dù có hiển vinh qua đến đất này, trông thấy mấy câu ở trên vách phấn kia, cũng đủ nhắc lại cho ta biết cái cảnh huống ấy bây giờ, thế này thực là cùng cực.” Chàng nghĩ đoạn, liền nhân lúc tửu hứng, mài mực đặc, lấy bút đẵm, rồi viết lên vách phấn mấy câu:
Thủa nhỏ theo đòi kinh sử,
Lớn lên thông thạo quyền mưu,
Khác nào hổ mạnh nấp hang sâu,
Kín nanh dấu vuốt ai biết đâu?
Chẳng may thời vận cơ cầu.
Bỗng dưng chạm mặt đầy Giang Châu,
Một mai may báo được oan cừu,
Máu nhuộm Tầm Dương sẽ biết nhau.
Tống Giang viết xong, xem ngắm một mình lấy làm vui mừng thích chí, lại ngồi uống luôn mấy chén rượu nữa, rồi múa chân múa tay cười nói một mình, xuống dưới bài Tây giang tử.
Tâm ở Giang Đông thân ở Ngô,
Mấy phen than thở mấy giang hồ,
Ngày sau như thỏa lòng non nước,
Mới biết Hoàng Sào cũng trượng phu.
Viết cạn lại thêm mấy chữ “Vận Thành Tống Giang đề” ở dưới, rồi vất bút xuống bàn, một mình ngồi ngâm đọc hồi lâu. Lại uống thêm mấy chén rượu đầy, nghe chừng rượu đã quá say liền gọi tửu bảo lên tính trả tiền hàng, còn thừa lại thưởng thêm cho tửu bảo, rồi đứng dậy giũ áo mà đi xuống lầu. Bấy giờ chang tử vội vội vàng vàng đi về phong giấy, mở cửa vào phòng nằm vật xuống ngủ thẳng một giấc đến canh năm mới tỉnh dậy, không còn nhớ chi đến sự đề thơ ở gác Tầm Dương.
Năm canh say tỉnh mơ màng,
Sơn Đông chí ấy, Tầm Dương thân rày.
Giang hồ trải mấy đắng cay,
Biết rằng non nước vơi đầy ra sao?
Đối ngạn với đất Giang Châu có một thành nhỏ, là thành Vô Vị Quân, có ông Thông Phán tại gia là Hoàng Văn Bính ở đó. Hoàng Văn Bính tuy có học hành kinh sử, song tính người siểm nịnh, tâm địa hẹp hòi, xưa nay thường hay ghen ghét tài năng; hại kẻ hơn mình, mà xoay kẻ kém mình, chỉ quanh năm quấy nhiễu chốn hương thôn, không ai là không khinh ghét. Nhân chàng ta biết Xài Cứu Phủ là con quan Xái Thái Sư đương triều nên thường thường đi lại mà tán hót phỉnh phờ, để kiếm đường kiếm lối ra làm quan.
Một hôm, Hoàng Văn Bính đương ngồi buồn bã ở nhà, không có cách gì tiêu khiển, chàng liền dẫn hai đứa đầy tớ theo hầu đi mua một lễ vật để qua sông vào hầu Tri Phủ. Bất đồ hôm đó, trong phủ có mở tiệc công yến, chàng ta sợ tai tiếng, không dám đem vào, liền thầy trò cùng quay ra thuyền để trở về. Khi đến trước lầu Tầm Dương, Hoàng Văn Bính thấy khí trời hơi có phần nóng bức, bèn lững thững quay vào trong lầu chơi ngắm, mà chưa quyết ra về. Chàng ta lên gác dạo mát hồi lâu, chợt nom lên vạch phấn ở gần phía lan can, thấy có nhiều thơ đề vịnh, xem ra cũng có bài nghe được, cũng có bài lôi thôi lốn thốn, đọc chẳng thành câu. Chàng vừa cười nhạt vừa xem đọc một mình, chợt xem đến bài “Tây giang từ” và bốn câu thơ của Tống Giang, thì bỗng cả kinh mà nói một mình rằng:
– Quái lạ! Có lẽ là thơ phản trắc? Ai viết ở đây như thế?
Chàng nói xong liền xem xuống dưới có năm chữ ” Vận Thành Tống Giang đề” thì lại ngâm một lượt mà rằng: ” Thủa nhỏ theo dõi kinh sư. Lớn lên thông thạo quyền mưu ” Đọc đến đó, chàng bèn cười nhạt mà rằng:
– Anh nầy cũng tự phụ lắm đây…
Lại đọc tiếp rằng: “Khác nào hổ mạnh nấp rừng sâu. Kín nanh, dấu vuốt ai biết đâu?”. Đọc đến đó, thì ngảnh cổ lên mà rằng:
– Anh nầy ra dáng không theo bổn phận của mình…
Lại đọc tiếp luôn: “Chẳng may thời vận cơ cầu. Bỗng dưng chạm mặt đầy Giang Châu”. Chàng lại cười mà rằng:
– Tưởng cao thượng quái gì? Té ra thằng tù xung quân ở đây.
Lại đọc: (Một mai may báo được oan cừu. Máu nhuộm Tầm Dương sẽ biết nhau… )
Chàng lắc đầu nói rằng:
– Thằng này định bào thù ai mà lại chực sinh sự ở đây? Ôi cha! Một thằng tù xung quân, thì phỏng làm gì được?
Nói đoạn lại đọc bốn câu thơ: (Tâm ở Sơn Đông, thân ở Ngô. Mấy phen than thở với giang hồ.)
– Phải, hai câu này có thể tha thứ được.
Lại đọc luôn rằng: “Ngày sau như thỏa lòng non nước. Mới biết Hoàng Sào cũng trượng phu.”
Đọc đến đó thì lắc đầu lè lưỡi mà rằng:
– Thằng cha nầy xấc thực, nó định làm hơn họ Hoàng Sào, chắc là định mưu phản nghịch chứ không sai.
Nói xong lại đọc đến năm chữ “Vận Thành Tống Giang đề” thì lại nghĩ thầm trong bụng: Tên anh nầy nghe cũng quen quen…chừng như có chỉ là một anh tiêu lại thì phải… ?
Nghĩ đoạn lại gọi tên tửu bảo lên mà hỏi rằng:
– Hai bài thơ này ai đề vào đây ngươi có biết đích xác không?
Tửu bảo đáp rằng:
– Hôm qua có người khách vào uống rượu một mình rồi viết lên đó.
– Người như thế nào?
– Người ấy béo đen thâm thấp, trên mặt có thích kim ấn, có lẽ ở trong lao thành đi ra thì phải.
Hoàng Văn Bính nghe nói, gật đầu đắc ý, nhờ tửu bảo cho mượn bút nghiên, chép mấy câu thơ bỏ vào túi áo, rồi dặn tửu bảo phải giữ gìn cẩn thận mà không được xóa đi. Đoạn rồi xuống lầu trở về thuyề