
ta vẫn là vợ chồng tốt. Thế mà con chuyên bới móc vết sẹo của người ta ra. Chẳng lẽ ly hôn nhất định sẽ hạnh phúc hơn không ly hôn?”.
“Mẹ, con không đưa ra quyết định giúp bất cứ ai cả”.
“Đúng là con không quyết định giúp người khác, nhưng con thúc đẩy người khác quyết định. Mắt thấy và tai nghe là hai việc khác nhau con ạ.
Hơn nữa làm những chuyện này sẽ dần mất lòng tin đối với hôn nhân. Cũng tại mẹ không tốt, quan tâm đến con không đủ nên mới để con lầm đường lạc lối…”.
“Mẹ à, con không hề lầm đường lạc lối, con đang làm ăn chính đáng.
Con cho rằng con đang giúp đỡ người khác”.
“Người khác cũng nghĩ như vậy sao? Mẹ đã làm việc nửa đời người, con người… đặc biệt là phụ nữ, không ai lại không thay đổi. Hôm nay con giúp người ta, người ta cảm ơn con rối rít, sau đó vợ chồng người ta làm lành rồi, con lại thành kẻ ác. Mẹ đã thấy quá nhiều chuyện như thế này…”.
“Con không phải lãnh đạo của họ, cũng không phải bạn của họ. Con và họ tiền trao cháo múc, xong việc hai bên không còn qua lại… Họ thế nào không liên quan gì đến con”.
“Thật sự không liên quan đến con à? Thế tại sao con phải hợp tác với Trịnh Đạc?”. Trương Nhã Lan hỏi đúng vấn đề mấu chốt: “Gia Mộc, con nghĩ lại đi. Năm nay con đã bao nhiêu tuổi rồi? Trịnh Đạc người ta mới bao nhiêu? Người ta đủ mọi tiêu chuẩn, cao ráo, đẹp trai, giàu có, có xe có nhà có tiền tiết kiệm, tính tình lại cẩn thận lễ phép, quan trọng nhất là trong nhà còn không có mẹ chồng. Chỉ cần con vừa buông tay, lập tức sẽ có những đứa con gái ngoài hai mươi tuổi kêu gào khóc lóc đòi lấy nó…”.
“Mẹ…”. Nói cho cùng thì Trương Nhã Lan vẫn sợ việc làm ăn này làm lỡ chuyện cả đời của con gái. Lâm Gia Mộc có thể nói với bất kỳ ai rằng mình không cần đàn ông, mình là một phụ nữ độc lập tự chủ, nhưng cô không thể nói với mẹ mình như vậy…
“Gia Mộc, con nghe lời mẹ, ngoan ngoãn lấy chồng sinh con, dừng việc làm ăn thiếu đạo đức này lại, sống yên ổn, tiền không đủ thì mẹ có…”.
“Mẹ, không phải vấn đề tiền bạc. Bây giờ thời đại thay đổi rồi, những người tới tìm bọn con đều đã quyết định không sống với nhau nữa…”.
“Chân Chân cũng thế à?”. “Mẹ…”.
“Thảo nào dì Năm con không nói tỉ mỉ, thì ra là dì Năm thuê con làm việc này. Không phải con giúp Chân Chân mà là con làm việc của con.
Con ngốc quá, nếu sau này Chân Chân có thể tìm được đức lang quân như ý thì không sao, nhưng nếu không tìm được thì con sẽ bị hai mẹ con dì Năm oán hận cả đời”.
Sẽ bị oán trách… thậm chí sẽ bị người khác căm hận, chẳng lẽ Lâm Gia Mộc thật sự chưa nghĩ tới những chuyện này? Không những cô đã nghĩ mà thậm chí cô còn trải qua không chỉ một lần. Cho dù tận mắt thấy chồng và người phụ nữ khác thân mật trên giường, vẫn có rất nhiều phụ nữ lựa chọn nhượng bộ, ngược lại còn căm hận người đã lật tẩy chân tướng trước mặt mình. Vấn đề là Lâm Gia Mộc có sợ không?
Bà đến tìm tôi là vì chân tướng, tôi bày chân tướng trước mặt bà, bà trả tôi tiền, tất cả mọi chuyện giữa tôi và bà chấm dứt. Bà cảm ơn tôi thì tốt, bà không cảm ơn tôi cũng không sao. Vốn chỉ là quan hệ giữa người đi thuê và người được thuê, hai bên chỉ cần nói đến tiền, ok?
Nhưng Lâm Gia Mộc không thể nói như thế với mẹ. Lý do cô chịu thua mẹ cũng là đây. Cô chưa đầy một tuổi đã được mẹ đưa đến nhà ông bà ngoại ở thành phố A. Ông ngoại nói lần đầu tiên nhìn thấy mẹ lúc ba tuổi, cô nói cháu chào cô rất ngây thơ, mẹ cô khóc liền hơn một tiếng.
Nhưng dù thế, sau khi hết đợt phép, mẹ cô vẫn đi cùng bố cô. Nguyên nhân chỉ có một, công việc quá bận, không có thời gian chăm sóc con…
Sau đó cô được mẹ đón về học tiểu học. Mẹ quan tâm đến tất cả mọi việc lớn nhỏ của cô giống như một cách bồi thường, nhưng từ trước đến nay Lâm Gia Mộc vẫn cảm thấy mình như làm khách trong nhà. Sau đó xảy ra đủ loại chuyện không cần phải nhắc đến. Đối với cô, mẹ vẫn là một người có lúc biến mất, có lúc đột nhiên xuất hiện, sau đó nhúng tay vào cuộc sống của cô một cách rất đương nhiên, ngay cả cô đi tất kiểu gì cũng phải can thiệp.
Trong thời kỳ nổi loạn, cô thật sự hy vọng mẹ không tồn tại. Cô ở với ông bà ngoại cũng có thể sống rất tốt, vì vậy cãi nhau với mẹ rất nhiều lần.
Bây giờ tình cảm mẹ con rất tốt, nhưng mỗi khi mẹ can thiệp vào cuộc sống của cô đều khiến cô cảm thấy ngạt thở. Gần nửa đêm, mẹ đã ngủ, Lâm Gia Mộc bò xuống khỏi giường, cầm điện thoại di động vào nhà vệ sinh. Ngồi trên bồn cầu, cô lại không biết gọi cho ai ngoài Trịnh Đạc. Trương Kỳ biết quá rõ về chuyện giữa cô và mẹ, nhưng ngoài một chữ nhẫn thì cũng không đưa ra được đề nghị nào tốt. Suy tính trước sau phải đến hai, ba phút, cuối cùng cô vẫn gọi đến số điện thoại quen thuộc đó.
“A lô!”. Giọng Trịnh Đạc có vẻ ngái ngủ. “Anh ngủ rồi à?”.
“Vừa mới ngủ”.
Lâm Gia Mộc đột nhiên hơi hối hận vì đã gọi cuộc điện thoại này. Nếu hai người vẫn là quan hệ “bạn bè”, cô sẽ thản nhiên hơn nhiều. Sau khi quan hệ giữa hai người thay đổi, cô cảm thấy việc gọi điện thoại này không khác gì làm nũng: “Em…”.
“Mẹ em nói những lời làm em không chịu nổi à?”.
Lâm Gia Mộc trông có vẻ khôn khéo, mọi sự đều suy nghĩ chu toàn, như