Disneyland 1972 Love the old s
Hồng Lâu Mộng

Hồng Lâu Mộng

Tác giả: Tào Tuyết Cần

Thể loại: Truyện dài tập

Lượt xem: 3212273

Bình chọn: 7.5.00/10/1227 lượt.

a hát vở Sơn môn 4 anh lại đã muốn Trang phong 5 rồi.

Tương Vân ngồi đó phì cười. Mọi người nghe hát đến khuya mới tan.

Giả mẫu yêu nhất hai đứa bé đóng vai nữ và vai hề, bảo người dắt chúng lên, thấy rất đáng thương. Hỏi tuổi, đứa đóng vai nữ mới mười một, đứa đóng vai hề mới lên chín. Mọi người đều than thở. Giả mẫu sai lấy đồ ăn và hai quan tiền thưởng cho chúng. Phượng Thư cười nói:

– Thằng bé này lúc đóng vai nữ trông hệt như một người, thế mà chẳng ai biết cả.

Bảo Thoa hiểu ra ngay, chỉ gật đầu không nói gì. Bảo Ngọc cũng gật đầu không dám nói. Tương Vân mau miệng nói:

– Tôi biết rồi, trông giống cô Lâm.

Nghe vậy, Bảo Ngọc vội đưa mắt ra hiệu cho Tương Vân. Mọi người để ý nhìn kỹ, rồi cười ầm lên: “Quả là giống cô Lâm thật”. Một lúc tiệc tan.

Đêm về, Tương Vân sai Thúy Lũ xếp quần áo, đồ đạc. Thúy Lũ hỏi:

– Việc gì mà cô vội thế, lúc nào đi thu xếp cũng vừa.

– Sáng mai về sớm. Ở đây làm gì nữa? Mày không thấy nét mặt người ta có vẻ không ưa đấy à?

Bảo Ngọc nghe thấy, vội đến kéo Tương Vân lại:

– Em hiểu lầm tôi. Em Lâm là người hay chấp, ai cũng biết cả, nhưng không muốn nói ra, vì sợ em Lâm giận. Ngờ đâu em buột mồm nói ngay, em Lâm lại không giận à? Tôi sợ em làm mất lòng em Lâm, nên đưa mắt ra hiệu. Bây giờ em lại giận tôi, há chẳng phụ lòng tôi hay sao? Nếu phải như ai, dù có gây chuyện với mười người, tôi cũng mặc kệ chẳng liên quan gì đến tôi!

Tương Vân hất tay:

– Những giọng văn hoa ấy đừng nói với tôi – tôi bì thế nào được với cô Lâm nhà anh! Người ta nói đùa cô ấy thì được, tôi nói lại có lỗi ngaỵ Tôi vốn không đáng nói chuyện với cô ta, cô chủ nhà, tôi chỉ là hạng con hầu đầy tớ thôi!

Bảo Ngọc vội nói:

– Thế ra vì em lại thành ra tôi có lỗi với em. Nếu tôi xấu bụng, xin lập tức hóa ra tro, cho mọi người giầy xéo lên.

Tương Vân nói:

– Đầu giêng năm mới, đừng có mở miệng là nói những câu nhảm nhí. Anh có thề, cứ thề với cái người tính nết nhỏ nhen, động một tí là giận dỗi; thề với cái người cai quản được anh ấy! Đừng để cho tôi phải bực mình với anh!

Tương Vân nói xong, hầm hầm đến ngay buồng Giả mẫu nằm xoài ra.

Bảo Ngọc chán ngán, lại đến tìm Đại Ngọc. Ngờ đâu vừa bước chân vào cửa, Đại Ngọc đã đẩy ra, đóng sập cửa lại. Bảo Ngọc không hiểu ra sao, đứng ngoài cửa sổ khẽ gọi: “Em ơi! em ơi!” Đại Ngọc mặc kệ không trả lời, Bảo Ngọc buồn quá, đứng rũ đầu không nói gì. Tử Quyên biết rõ đầu đuôi câu chuyện, nhưng chắc khuyên can ngay cũng chẳng được nào. Bảo Ngọc vẫn đứng ngẩn ở ngoài.

Đại Ngọc tưởng Bảo Ngọc đã về, mở cửa ra, thấy Bảo Ngọc vẫn đứng đấy, không tiện đóng lại. Bảo Ngọc theo vào hỏi:

– Việc gì cũng phải có duyên do, cứ nói ra để cho người ta khỏi áy náy. Sao tự nhiên em lại đâm ra giận dỗi?

Đại Ngọc cười nhạt:

– Tôi ấy à! Chẳng biết ra làm sao cả. Các người định đem tôi ra đùa! Đem tôi ví với con hát để làm trò cười cho các người!

– Tôi chẳng ví em, cũng chẳng cười em bao giờ, làm sao em lại giận tôi?

– Anh còn phải ví, còn phải cười! Anh không ví, không cười, nhưng so với người ví, người cười lại độc ác hơn.

Bảo Ngọc nghe nói, chẳng biết phân trần thế nào, lặng lẽ không nói nửa lời.

Đại Ngọc lại nói:

– Điều ấy còn có thể tha thứ được. Nhưng làm sao anh lại còn đưa mắt cho con Vân? Bụng dạ anh là thế nào? Có phải anh cho rằng người ta đùa với tôi là người ta tự hạ thấp con người xuống không? Người ta là tiểu thư nhà công hầu, tôi là con nhà bình dân. Người ta đùa tôi, lỡ tôi nói lại, chẳng hóa ra làm mất giá đi hay sao? Có phải anh nghĩ thế không? Có thể là bụng anh tốt nhưng người ta không nhận cái tốt ấy, cũng lại giận anh. Anh lại đem tôi ra để lấy lòng người ta, bảo là tôi “tính nết nhỏ nhen, động một tí là giận dỗi”. Anh lại sợ người ta gây chuyện với tôi để tôi giận người tạ Tôi giận người ta hoặc người ta gây chuyện với tôi thì việc gì đến anh?

Bảo Ngọc nghe thế, biết câu chuyện mình nói nhỏ với Tương Vân vừa rồi, Đại Ngọc nghe thấy cả, nghĩ bụng: “Chỉ vì mình sợ hai người giận nhau, nên ở giữa giàn xếp, không ngờ cả hai lại đều lèo nhèo trách móc mình. Đúng như kinh Nam hoa đã nói: Người khéo chỉ tổ nhọc xác, người khôn chỉ tổ lo phiền, người đần độn không cần gì cả, cứ việc ăn chơi thảnh thơi như thuyền không buộc vào cọc, lênh đênh trôi giữa dòng sông. Lại có câu: Rừng núi tự gọi kẻ cướp đến, sông ngòi tự gọi kẻ trộm đến 6. Càng nghĩ càng thấy chẳng thú vị gì; xét cho cùng, bây giờ chỉ có vài người, mà mình không thu xếp cho êm thấm, thì sau này còn làm gì nên thân?” Nghĩ đến đó, Bảo Ngọc không buồn phân trần, liền quay về buồng. Đại Ngọc thấy vậy, biết Bảo Ngọc chán nản, bực bội bỏ đi, chẳng nói câu gì, nên càng bực mình thêm, liền nói: “Từ rày, suốt đời đừng đến đây nữa cũng xong!”

Bảo Ngọc không để ý đến câu nói ấy, về nằm sõng sượt ở giường, buồn thiu. Tập Nhân biết đầu đuôi câu chuyện, nhưng không dám nói, chỉ muốn đánh lảng ra việc khác cho khuây khỏa, nhân cười hỏi:

– Hôm nay nghe hát rồi, mai kia chắc cậu lại được nghe nữa. Thế nào cô Bảo chẳng mời lại.

Bảo Ngọc cười nhạt:

– Mời lại hay không, có việc gì đến tôi!

Tập Nhân thấy câu n