
câu gì. Bảo Thoa xưa nay vẫn biết gia pháp nhà này, làm em thì phải sợ anh. Nhưng biết đâu Bảo Ngọc lại không muốn ai sợ mình. Trong bụng nghĩ: “Đã có bố mẹ dạy bảo, việc gì ta phải lắm chuyện khiến anh em xa nhau. Vả lại ta là con vợ cả, nó là con vợ lẽ, ta đối với nó nghiêm khắc thì người ngoài chê cười, ta còn cai quản thế nào được nó”. Hơn nữa, Bảo Ngọc còn có một ý nghĩ ngây ngộ Độc giả có biết ngây ngô thế nào không? Vì Bảo Ngọc từ bé luôn luôn ở chung với đám chị em, chị em ruột thì có Nguyên Xuân, Thám Xuân; chị em thúc bá thì có Nghênh Xuân, Tính Xuân; chị em ngoại thì có Tương Vân, Đại Ngọc, Bảo Thoa; Bảo Ngọc cho rằng, người thiêng hơn cả vạn vật, bao nhiêu tinh hoa trong sạch của trời đất, đều chung đúc vào con gái, bọn con trai chỉ là hạng cặn bã bẩn đục mà thôi. Vì thế, cậu ta cho tất cả con trai là hạng thô tục có cũng được, không cũng chằng sao. Chỉ vì theo lời dạy của Khổng Tử, thánh hiền bậc nhất thời xưa, đã nói về cha, chú, anh em, một điều không thể trái ngược, nên giữa anh em với nhau, chẳng qua phải ở cho có tình có lý. Cậu ta cũng chẳng nghĩ gì mình là anh trai, phải làm gương cho lũ đàn em. Do đó Giả Hoàn không sợ Bảo Ngọc, chỉ sợ Giả mẫu không bằng lòng, nên cũng nể phần nào thôi.
Bảo Thoa lại sợ Bảo Ngọc trách mắng Giả Hoàn đâm ra cụt hứng, nên tìm cách che đậy hộ hắn. Bảo Ngọc nói:
– Đầu giêng năm mới, sao mày lại khóc? Chỗ này không thích thì mày đi chơi chỗ khác. Mày ngày nào cũng đọc sách mà còn vơ vẩn như thế. Thí dụ, cái này mày không thích, thì đã có cái kia, mày cứ bỏ cái này đi mà chơi cái kia. Tội gì mày cứ khư khư giữ mãi cái ấy? Khóc liệu có ăn thua gì? Chơi cất lấy vui, mà lại hóa ra chuốc lấy cái buồn? Sao mày không đi chỗ nào cho yên chuyện?
Giả Hoàn nghe nói đành phải bỏ về.
Dì Triệu trông thấy, hỏi dồn:
– Chắc lại bị người ta bắt nạt ở đâu rồi về đấy chứ gì?
Giả Hoàn đáp:
– Tôi chơi với chị Bảo, bị Oanh Nhi ăn gian tiền, rồi anh Bảo Ngọc đuổi tôi về.
Dì Triệu mắng:
– Ai bảo mày chơi trèo? Đồ khốn nạn! Đồ mặt dày! Chỗ nào mày chơi chả được, sau lại cứ cắm đầu sang đấy?
Đương nói, Phượng Thư đi qua ngoài cửa sổ nghe thấy, nói với vào:
– Đầu giêng năm mới, sao dì lại thế? Em nó còn trẻ, có điều gì nhầm lẫn thì dì dạy bảo, sao dì lại giở những giọng ấy rả Dù nó thế nào chăng nữa, đã có ông và bà cai quản, sao lại ngoạc cái mồm ra mắng nó? Nó là cậu ấm, đã có người dạy bảo, việc gì đến dì? Em Hoàn, em ra đây theo ta đi chơi!
Giả Hoàn xưa nay vẫn sợ Phượng Thư hơn là sợ Vương phu nhân, nghe thấy gọi, vội chạy ra ngaỵ Dì Triệu cũng chẳng dám nói câu gì. Phượng Thư bảo Giả Hoàn:
– Mày là hạng người không có khí phách gì cả. Ta thường bảo mày muốn ăn, muốn uống, muốn chơi gì tùy ý, trong các anh, các chị, ưa người nào thì chơi với người ấy, mày không nghe lời, lại cứ đi nghe hạng người bậy bạ, ranh mãnh. Mình không biết tự trọng mình, chỉ theo lối hạ lưu bừa bãi, lại còn oán người ta đối đãi thiên lệch với mình. Thua có mấy đồng mà đến nỗi thế à? Thua hết bao nhiêu?
Giả Hoàn nói:
– Em thua hết một vài trăm đồng tiền.
Phượng Thư mắng:
– Cũng mang tiếng là cậu ấm, mới thua một hai trăm đồng mà đã thế à!
Rồi quay lại bảo Phong Nhi:
– Đi lấy một quan tiền ra đây. Các cô đương chơi ở đường sau kia, đưa cậu ra đấy chơi.
Lại quay bảo Giả Hoàn:
– Từ rầy mày còn giữ lối quỉ quái như thế, ta sẽ đánh trước rồi mách bên trường học cho người ta lột da ra! Vì mày không biết tự trọng, nên anh Bảo giận mày lắm. Nếu tao không can thì anh mày đã đá cho mày lòi ruột ra rồi. Thôi! Cút đi!
Giả Hoàn vâng vâng dạ dạ, theo Phong Nhi lấy tiền rồI ra chỗ bọn Nghênh Xuân chơi.
Bảo Ngọc đương ngồi chơi với Bảo Thoa, chợt thấy ngườI nói: “Cô Sử đã đến”. Bảo Ngọc chực chạy đi ngaỵ Bảo Thoa cười nói:
– Hãy chờ một tí, chúng ta cùng đến thăm cô ta một thể.
Nói xong, xuống giường cùng Bảo Ngọc đến chỗ Giả mẫu.
Sử Tương Vân đương cười cười, nói nói, thấy họ đến, vộI đứng dậy chào.
Đại Ngọc ngồi bên cạnh, hỏi Bảo Ngọc:
– Anh ở đâu về đấy?
– Đến thăm chị Bảo về.
Đại Ngọc cười nhạt:
– Em đã nói mà, nếu không vướng mắc ở đâu thì đã bay đến ngay rồi.
– Thế tôi chỉ được ở nhà chơi đùa với cô em để cô em đỡ buồn thôi ư? Vừa mới sang bên ấy một lúc mà đã nói những câu ấy.
– Khéo vớ vẩn chưa! Đi hay không có liên can gì đến tôi? Ai khiến anh ở nhà để cho tôi đỡ buồn? Từ giờ trở đi, không cần anh để ý đến tôi nữa.
Nói xong, giận dỗi trở về buồng.
Bảo Ngọc vội chạy theo hỏi:
– Đang tử tế mà lại đâm ra giận dỗi rồi. Dù tôi có lỡ lời, em cũng nên ngồi chơi một lúc nói chuyện cho vui. Việc gì lại chuốc nỗi buồn vào người!
– Anh cấm đoán tôi à?
– Tôi nào dám cấm đoán em. Chỉ là em tự giày vò thân em đấy thôi!
– Tôi tự giày vò thân tôi! Tôi chết kệ tôi, có việc gì đến anh?
– Sao lại thế? Đầu giêng năm mới, cứ nói “chết” với “sống” mãi!
– Tôi chỉ nói “chết” thôi! Phen này tôi chết đấy! Anh sợ chết thì cứ sống đến trăm tuổi, có được không?
– Cứ rắc rối mãi thế này, tôi lại sợ chết à? Thà chết đi cho yên chuyện!
– Phải đấy, cứ rắc rối mãi thế này, thì thà chết hết đi cho yên chuyện