Duck hunt
Hồng Lâu Mộng – Phần 2

Hồng Lâu Mộng – Phần 2

Tác giả: Tào Tuyết Cần

Thể loại: Truyện dài tập

Lượt xem: 3214094

Bình chọn: 9.00/10/1409 lượt.

huống chi đã tốn bao nhiêu công phu xoay xở bây giờ mới được yên ổn, thể nào ta cũng phải vui nhộn mấy ngày. Bà con thì đều mời hết. Một là thỏa lòng mong ước, hai là chúng ta uống ly rượu mừng, cũng không uổng công tôi lo lắng bấy lâu.

Tiết phu nhân nghe xong, cố nhiên là vui mừng, liền nói ra ý của mình định sắm đồ nữ trang cho con. Giả mẫu nói:

– Chúng ta thân lại thêm thân. Tôi nghĩ cũng không cần như thế. Nếu nói là đồ dùng thì trong nhà chúng nó đã đầy ứ lên rồi; hoặc giả trong bụng con Bảo có thích cái gì thì dì cho nó mấy cái. Nhưng tôi xem con Bảo không phải là đứa hay nghĩ ngợi, chứ như tính khí con cháu ngoại nhà tôi thì khác hẳn, nên nó không thọ.

Nghe vậy, Tiết phu nhân cũng chảy nước mắt.

Vừa lúc ấy Phượng Thư đi vào, cười nói:

– Bà và cô lại nghĩ gì thế?

Tiết phu nhân nói:

– Ta với cụ nói đến em Lâm chị nên đau lòng.

Phượng Thư cười, nói:

– Bà và cô đừng đau lòng. Cháu vừa nghe được câu chuyện buồn cười, nói cho bà và cô nghe.

Giả mẫu lau nước mắt, nói:

– Không biết mày định chọc người nào đây? Mày cứ nói đi để ta và dì nghe. Nếu nói mà không cười được, ta không nghe đâu.

Trước khi nói, Phượng Thư dang hai tay ra, khom lưng lại mà cười, chưa biết là chị ta nói chuyện gì.

Chương 99: Giữ Phép Công Bọn Hầu Ác Cùng Nhau Phá Lệ Xem Tin Báo Ông Cậu Già Đâm Ra Lo Phiền

Phượng Thư thấy Giả mẫu và Tiết phu nhân nghĩ đến Đại Ngọc mà đau lòng, liền nói:

– Cháu có câu chuyện buồn cười nói cho bà và cô nghe.

Chưa kể chuyện chị ta đã cười trước, rồi nói:

– Bà và cô thử nghĩ xem câu chuyện này ở đâu? Chính là chuyện của cô dâu chú rể mới nhà ta đấy.

Giả mẫu nói:

– Làm sao rồi?

Phượng Thư giơ tay ra:

– Một người ngồi như thế này, một người đứng như thế này, một người ngoảnh đi như thế này, một người xoay lại như thế này, một người lại…

Nói đến đó Giả mẫu đã cười ồ lên và bảo:

– Mày nói rõ đi thôi! Đó không phải chuyện hai vợ chồng nhà nó, mà chỉ là mày chọc cho người ta khó chịu đấy.

Tiết phu nhân cũng cười, nói:

– Cháu cứ nói thẳng đi thôi, đừng làm trò nữa.

Phượng Thư mới nói:

– Cháu vừa đến nhà chú Bảo, nghe có tiếng mấy người đang cười, cháu tưởng là ai, khi nhòm vào song cửa, thì ra em Bảo đang ngồi bên cạnh giường; chú Bảo đang đứng dưới đất. Chú Bảo cứ nắm ống áo em Bảo mà nói: “Chị Bảo! Sao chị không biết nói nữa? Chị chỉ nói một câu thì nhất định bệnh tôi khỏi hẳn.” Em Bảo cứ ngoảnh mặt tránh mãi. Chú Bảo lại vái rồi nắm lấy tay áo em Bảo. Em Bảo hoảng lên, giật một cái, chú Bảo vì mới ốm dậy, chân còn yếu, liền ngã đè lên mình em Bảo. Em Bảo cuống quít đỏ mặt lên, và nói: “Cậu bây giờ lại càng lẩn thẩn hơn trước…”

Nói đến đó Tiết phu nhân và Giả mẫu đều cười rũ rượi.

Phượng Thư lại nói:

– Chú Bảo đứng dậy, cười nói: “May ngã một cái mới làm cho tiếng nói của chị bật ra được?”

Tiết phu nhân cười, nói:

– Đó là con Bảo quái gở như thế thôi. Điều đó có can gì? Đã là vợ chồng thì cười cười nói nói có sợ gì. Nó lại không thấy anh Liễn và cháu à?

Phượng Thư mặt đỏ, nói:

– Cô nói gì thế? Cháu nói câu chuyện vui để cho cô đỡ buồn, mà cô lại đem cháu ra làm trò cười.

Giả mẫu cũng cười, nói:

– Phải như thế mới được. Vợ chồng tuy cần hòa thuận, nhưng cũng phải có chừng mực. Ta yêu con Bảo chỉ vì có cái đức tính tôn trọng ấy. Ta vẫn lo thằng Bảo còn điên điên, dại dại, nay cháu thấy thế, thì ra nó đã tỉnh táo hơn trước nhiều rồi. Cháu thử nói xem có chuyện gì buồn cười nữa không?

Phượng Thư nói:

– Mai đây chú Bảo làm lễ hợp hôn, rồi bà thông gia bế cháu ngoại, lúc bấy giờ không phải là chuyện buồn cười nữa hay sao.

Giả mẫu cười nói:

– Ta với dì còn đang tưởng nhớ em Lâm cháu, mày đến chọc chúng ta cười đã đành, sao lại còn văng tục ra nữa. Mày không để cho chúng ta tưởng nhớ em Lâm à? Mày đừng có hí hửng cho lắm, em Lâm giận mày đấy. Sau này mày đừng vào vườn một mình, coi chừng nó nắm lấy, nó không nghe cho đâu!

Phượng Thư cười nói:

– Khi gần chết, cô ta nghiến răng nghiến lợi chỉ giận chú Bảo, chứ có giận cháu đâu.

Giả mẫu và Tiết phu nhân nghe nói, vẫn cho là chuyện đùa, nên không để ý, rồi nói:

– Thôi cháu đừng có vơ quàng vơ xiên nữa, ra bảo các ông ngoài ấy chọn ngày tốt để làm lễ hợp hoan cho Bảo Ngọc thôi.

Phượng Thư vâng lời, nói chuyện một lúc nữa, rồi ra ngoài bảo người xem ngày tốt, để bày cỗ bàn, hát xướng và mời khách. Bệnh Bảo Ngọc tuy đã lành, có lúc Bảo Thoa cao hứng, dở sách ra bàn luận với chồng về việc sách vở. Cái gì Bảo Ngọc thường thấy thì nhớ được, còn nói về trí thông minh thì khác trước xa. Chính anh ta cũng không hiểu ra sao. Bảo Thoa biết vì mất ngọc thông linh nên mới như thế. Chỉ có Tập Nhân vẫn thường nói:

– Tại sao mà khiếu thông minh của cậu trước kia mất đâu cả? Đáng lẽ ra cậu quên cái tật xấu kia đi thì tốt hơn, đằng này, tính khí vẫn như cũ, mà sao riêng về đạo lý lại mù mờ như thế?

Bảo Ngọc nghe nói, cũng không giận, chỉ cười hì hì. Có lúc Bảo Ngọc cứ tùy ý chơi đùa, may nhờ Bảo Thoa khuyên lơn, cũng đỡ phóng túng ít nhiều. Tập Nhân đỡ phải nói năng, chỉ biết hết sức hầu hạ. Các a hoàn khác ngày thường vốn mến phục đức tính